Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Bologna ở Ý đã tạo ra loại băng thông minh, cho phép nhân viên y tế kiểm tra tình trạng vết thương mà không cần tháo băng và làm gián đoạn quá trình vết thương lành lại.
Băng y tế thông minh được trang bị một cảm biến đo độ ẩm của vết thương và truyền dữ liệu đến điện thoại thông minh gần đó mà không cần tháo băng. Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Frontiers in Physics.
Băng thông minh được làm bằng một loại polime dẫn điện có tên là poly (3,4-ethylenedioxythiophene): polystyrene sulfonate hoặc PEDO: PSS, được gắn vào một miếng gạc bằng kỹ thuật in lụa. Sau đó, cảm biến được kết hợp vào gạc cùng với các vật liệu băng bán sẵn trên thị trường.
Ý tưởng này bắt nguồn từ sự thay đổi độ ẩm của vết thương làm biến đổi tín hiệu điện, sẽ được đo bởi cảm biến. Các nhà nghiên cứu cho rằng duy trì độ ẩm tối ưu được coi là điểm mấu chốt giúp các vết thương mãn tính lành lại.
Marta Tessarolo, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: “PEDOT: PSS là loại polime bán dẫn hữu cơ, có thể dễ dàng lắng đọng trên một số chất nền như một loại mực thông dụng. Chúng tôi cũng kết hợp thẻ RFID giá rẻ, dùng một lần và tương thích với băng, tương tự như thẻ bảo mật quần áo, vào miếng dán vải. Thẻ có thể giao tiếp không dây dữ liệu về độ ẩm với điện thoại thông minh. Thông tin này cho phép nhân viên y tế biết khi nào cần thay băng”.
Công nghệ tương tự đã được sử dụng để tạo ra các loại băng có thể tự động phát hiện nhiễm trùng và giải phóng thuốc để điều trị vết thương, đồng thời thúc đẩy quá trình chữa lành.
Theo các nhà nghiên cứu, các vết thương mãn tính có thể là nguồn gốc gây đau đớn và tàn tật cho bệnh nhân. Việc chữa lành vết thương mãn tính có thể là thách thức do nhiều yếu tố, bao gồm nhiệt độ và độ ẩm. Các vùng vết thương quá khô, không cho phép tạo mô mới. Ngược lại, những vết thương quá ướt có thể khiến mô có màu trắng và nhăn như sau khi tắm.
Trước đây, nếu một chuyên gia chăm sóc sức khỏe muốn kiểm tra độ ẩm của vết thương, họ cần phải tháo băng, có khả năng làm hỏng các mô đang lành. Công nghệ mới giải quyết vấn đề đó bằng cách sử dụng vật liệu tương thích sinh học, dùng một lần và rẻ tiền.
Để kiểm tra, các nhà nghiên cứu cho băng được trang bị cảm biến tiếp xúc với dịch tiết nhân tạo từ vết thương, là chất lỏng rỉ ra từ vết thương, đồng thời, thử nghiệm các chất liệu và hình dạng băng khác nhau. Băng có độ nhạy cao, cung cấp các kết quả khác nhau lớn trong các điều kiện khô, ẩm ướt và bão hòa. Tuy nhiên, công nghệ này vẫn cần được tối ưu hóa trước khi có thể được sử dụng trong lâm sàng.
N.P.D (NASATI), theo https://www.upi.com/Science_News/2021/10/25/smart-bandage-healing-study/1271635178415/, 25/10/2021