Trước sức ép về nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng của hơn 90 triệu dân, chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn, gà nói riêng đã và đang thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển đột phá, từ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, tận dụng, tự cung tự cấp nay đã phát triển cả về qui mô và tính chuyên hóa, dần chuyển sang chăn nuôi hàng hóa cạnh tranh. Cùng với sự tăng nhanh qui mô của các loài vật nuôi, chăn nuôi cũng đang gặp phải một số trở ngại làm giảm khả năng cạnh tranh như vấn đề dịch bệnh, giá thành sản xuất, giá bán sản phẩm và đặc biệt là phụ thuộc vào nguyên liệu sản xuất thức ăn, giá thức ăn chăn nuôi.

Hiện nay, trên cả nước có 207 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi với tổng công suất hơn 22,2 triệu tấn/năm; trong 11 tháng đầu năm 2016, sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp ước đạt trên 15,46 triệu tấn, tăng khoảng từ 6,0-6,5% so với cùng kỳ năm 2015. Lượng thức ăn này đã đáp ứng được cơ bản nhu cầu thức ăn chăn nuôi công nghiệp cho hoạt động chăn nuôi trong nước và bước đầu hướng tới xuất khẩu sang một số thị trường trong khu vực. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nước ta sự phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Hàng năm, nước ta phải chi một lượng ngoại tệ đáng kể để nhập nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu từ phụ phẩm công nông nghiệp trong nước vẫn chưa được khai thác triệt để. Vì thế, PGS.TS. Chu Kỳ Sơn cùng các cộng sự tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu tận dụng phụ phẩm của các nhà máy cồn để sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi” trong thời gian từ năm 2014 đến năm 2017.

Đề tài nhằm thực hiện ba mục tiêu sau: sử dụng có hiệu quả nguồn phụ phẩm từ nhà máy sản xuất cồn làm nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi và góp phần giảm thiểu nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và giảm thiểu ô nhiễm môi trường; xây dựng được quy trình sản xuất bã rượu khô từ phụ phẩm của các nhà máy cồn ở quy mô thử nghiệm kèm theo đánh giá được chất lượng và tỉ lệ sử dụng hợp lí của bã rượu khô trong khẩu phần thức ăn chăn nuôi cho gà và lợn; và đẩy mạnh, tăng cường hợp tác về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đào tạo giữa Viện Sinh học và Dinh dưỡng Động vật (Rumani) và Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (Việt Nam).

Sau ba năm thực hiện, đề tài đã thu được các kết quả sau:

• Điều tra hiện trạng sản xuất cồn và phụ phẩm của ngành sản xuất cồn nhiên liệu và thực phẩm một số nhà máy sản xuất cồn và đánh giá được lượng phụ phẩm của các nhà máy cồn và phân tích chuỗi giá trị và đánh giá tiềm năng sử dụng phụ phẩm của nhà máy cồn.

• Nghiên cứu và xây dựng được quy trình công nghệ sản xuất bã rượu khô ở quy mô phòng thí nghiệm (PTN) và đánh giá được thành phần hóa học và dinh dưỡng của bã rượu: bã rượu khô từ gạo đặc trưng bởi hàm lượng protein cao >60% và bã rượu khô từ sắn đặc trưng bởi hàm lượng xơ cao (>30%).

• Xây dựng được quy trình công nghệ sản xuất bã rượu khô ở quy mô thử nghiệm (200 kg/mẻ) và đánh giá sơ bộ hiệu quả kinh tế làm tiền đề cho sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho lợn và gà.

• Ứng dụng thử nghiệm bã rượu khô từ gạo và sắn trong khẩu phần thức ăn cho gà và lợn thịt:

Sử dụng bã rượu khô từ sắn và từ gao ở mức 5, 10 và 15% trong khẩu phần có ảnh hưởng tích cực đến khả năng sinh trưởng, hiệu quả sử dụng thức ăn nhưng không ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng thịt lợn và gà. Tuy nhiên, đối với bã rượu khô từ sắn chỉ nên bổ sung 5%, còn bã rượu từ gạo bổ sung ở mức 10% là phù hợp và cho hiệu quả kinh tế cao nhất đối với lợn và gà thịt.

Kết quả thí nghiệm ảnh hưởng của việc sử dụng bã rượu khô từ sắn và từ gạo trong khẩu phần ăn cho lợn cho thấy, sau 5 tuần thí nghiệm lợn sinh trưởng và phát triển bình thường, đảm bảo các chỉ tiêu năng suất như tăng trọng bình quân ngày, thu nhận thức ăn và hiệu quả sử dụng thức ăn. Đặc biệt, có khẩu phần sử dụng bã rượu khô từ sắn và từ gạo có ảnh hưởng tích cực đến một số chỉ tiêu sinh lý, sinh hoá máu liên quan đến sức đề kháng của cơ thể.

• Đã xây dựng được quy trình sản xuất chế phẩm probiotic chứa hỗm hợp vi sinh vật L. acidophilus VAST, L. plantarum NCDN4 và bào tử Bacillus BAD7 ở quy mô PTN đạt trên 108 CFU/g chế phẩm sấy đông khô. Các chủng vi sinh vật thích nghi ở điều kiện axit có tỉ lệ sống sót cao hơn các chủng kiểm chứng sau khi sấy đông khô. Tỉ lệ sống sót của 2 chủng L. acidophilus VAST và L. plantarum NCDN4 thấp hơn bào tử Bacillus BAD7 ở mẫu kiểm chứng và mẫu thích nghi axit.

• Đã đánh giá sơ bộ hiệu quả kinh tế, kỹ thuật và môi trường của quy trình công nghệ sản xuất bã rượu khô.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16848/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

N.P.D (NASATI)