Chế độ ăn nhiều muối không chỉ ảnh hưởng xấu đến huyết áp của một người, mà cả hệ miễn dịch. Đây là kết luận của một nghiên cứu do các nhà khoa học tại Bệnh viện Đại học Bon dẫn đầu.

Trong nghiên cứu, những con chuột được cho ăn chế độ nhiều muối bị nhiễm trùng nặng hơn nhiều. Đối với các tình nguyện viên tiêu thụ thêm 6g muối mỗi ngày, hệ miễn dịch của họ cũng suy giảm rõ rệt. Lượng muối này tương ứng với hàm lượng muối trong hai bữa ăn nhanh. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Science Translational Medicine.

Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi người trưởng thành chỉ nên ăn tối đa 5g muối mỗi ngày, tương ứng với một thìa cà phê. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người Đức tiêu thụ muối vượt quá giới hạn này rất nhiều: Số liệu từ Viện nghiên cứu Robert Koch cho thấy đàn ông Đức tiêu thụ trung bình 10g muối, trong khi phụ nữ là hơn 8g.

Điều này có nghĩa là chúng ta ăn nhiều muối hơn mức tốt cho sức khỏe. Do đó, Natri clorua, tên hóa học của muối, làm tăng huyết áp và tăng nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ. Nhưng không chỉ có vậy, theo GS.TS Christian Kurts tại Viện Miễn dịch thực nghiệm thuộc Đại học Bon, ăn quá nhiều muối còn làm suy giảm đáng kể một nhánh quan trọng của hệ miễn dịch.

Đây là phát hiện bất ngờ, vì một số nghiên cứu đi theo hướng ngược lại. Ví dụ, nhiễm trùng một số ký sinh trùng trên da ở động vật thí nghiệm lành nhanh hơn nhiều nếu chúng ăn chế độ ăn nhiều muối: Các đại thực bào, là các tế bào miễn dịch tấn công, ăn và tiêu hóa ký sinh trùng, hoạt động đặc biệt tích cực khi có muối. Từ đó, một số bác sĩ đã đi kết luận natri clorua có tác dụng tăng cường miễn dịch nói chung.

Da đóng vai trò như bể chứa muối

“Kết quả của chúng tôi cho thấy sự khái quát này là không chính xác“, Katarzyna Jobin, tác giả chính của nghiên cứu nhấn mạnh. Hai lý do được đưa ra: Thứ nhất, cơ thể giữ ổn định nồng độ muối trong máu và trong các cơ quan khác. Nếu không các quá trình sinh học quan trọng sẽ bị suy yếu. Ngoại lệ chính duy nhất là da: Nó hoạt động như một bể chứa muối của cơ thể. Đây là lý do việc bổ sung thêm natri clorua có hiệu quả đối với một số bệnh về da.

 

Tuy nhiên, các bộ phận khác của cơ thể không tiếp xúc với muối bổ sung được tiêu thụ cùng với thức ăn. Thay vào đó, nó được lọc ra bởi thận và bài tiết qua nước tiểu. Và đây là lúc cơ chế thứ hai phát huy tác dụng: Thận có cảm biến natri clorua kích hoạt chức năng bài tiết muối. Tuy nhiên, như một tác dụng phụ không mong muốn, cảm biến này cũng khiến cho glucocorticoid tích tụ trong cơ thể, gây ức chế chức năng của bạch cầu hạt, loại tế bào miễn dịch phổ biến nhất trong máu.

Tuy nhiên, giống như các đại thực bào, bạch cầu hạt không tấn công ký sinh trùng, mà chủ yếu là vi khuẩn. Nếu chúng không làm điều này ở mức độ đủ, tình trạng nhiễm trùng diễn biến nghiêm trọng hơn nhiều. “Chúng tôi đã thấy điều đó ở những con chuột bị nhiễm khuẩn listeria“, TS. Jobin giải thích. “Trước đây chúng tôi đã đưa một số bạch cầu hạt vào chế độ ăn nhiều muối. Trong lá lách và gan của những con vật này, chúng tôi đã đếm được số lượng mầm bệnh tăng từ 100 đến 1.000 lần“. Listeria là vi khuẩn được tìm thấy trong thực phẩm bị ô nhiễm, có thể gây sốt, nôn mửa và nhiễm trùng huyết. Nhiễm trùng đường tiết niệu cũng lành chậm hơn nhiều ở những con chuột thí nghiệm được cho ăn chế độ ăn nhiều muối.

Natri clorua cũng có tác động tiêu cực đến hệ miễn dịch của con người. “Chúng tôi đã kiểm tra các tình nguyện viên ăn 6g muối ngoài lượng tiêu thụ hàng ngày của họ“, GS.TS Kurts nói. “Mức này gần bằng lượng muối có trong hai bữa ăn nhanh gồm có hai bánh mì kẹp thịt và hai phần khoai tây chiên”. Sau một tuần, các nhà khoa học đã lấy máu từ các tình nguyện viện và kiểm tra bạch cầu hạt. Các tế bào miễn dịch đối phó với vi khuẩn yếu hơn nhiều sau khi những người tham gia bắt đầu ăn chế độ ăn tăng muối. Bên cạnh đó, việc ăn quá nhiều muối cũng làm tăng mức glucocorticoid, gây ức chế hệ miễn dịch. Đây là phản ứng không đáng ngạc nhiên vì cortisone glucocorticoid nổi tiếng nhất trước đây được sử dụng để ức chế viêm.

N.P.D (NASATI), theo https://www.sciencedaily.com/releases/2020/03/200325143815.htm