Một bài báo mới đăng trên Tạp chí của Viện Ung thư quốc gia nêu rõ asen trong nước uống có thời gian ủ bệnh dài nhất trong số bất cứ chất gây ung thư nào. Qua theo dõi tỷ lệ tử vong của những người tiếp xúc với nước uống bị nhiễm asen tại một khu vực ở Chi lê, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng về sự gia tăng ung thư phổi, bàng quang và thận thậm chí 40 năm sau khi ngừng phơi nhiễm mạnh với asen.

Asen vô cơ xuất hiện tự nhiên với hàm lượng cao trong nguồn nước ngầm của nhiều quốc gia, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng triệu người. Một số ảnh hưởng lớn đến sức khỏe đã được quan sát thấy trong bộ phận dân cư uống nước ô nhiễm asen trong thời gian dài. Nước uống nhiễm asen gây ung thư da và một số loại ung thư nội tạng khác như ung thư phổi, bàng quang, thận cũng như các bệnh tim mạch và các những tác động bất lợi khác.

Năm 1958, nguồn nước ở Antofagasta, một thành phố ở miền bắc Chi lê, đã có sự gia tăng đột ngột hàm lượng asen, sau đó, lại giảm do nhà máy xử lý asen đi vào hoạt động vào năm 1970. Trong khoảng thời gian này, người dân sống tại Antofagasta, khu vực khô hạn nhất trái đất có người định cư, phải uống nguồn nước của thành phố bị nhiễm asen, do đó, người dân bị phơi nhiễm asen ở mức cao. Kết quả nghiên cứu mối liên hệ giữa phơi nhiễm asen và tỷ lệ tử vong do ung thư bắt đầu gia tăng khoảng 10 năm sau khi hiện tượng phơi nhiễm mạnh bắt đầu và đạt mức đỉnh điểm ít nhất 20 năm sau khi phơi nhiễm bắt đầu giảm. Đối với cả nam giới và phụ nữ, tỷ lệ tử vong vì những loại ung thư này vẫn cao sau 40 năm chấm dứt tình trạng phơi nhiễm.

Dù các nhà khoa học dự kiến tiếp tục nghiên cứu bộ phận cư dân này, nhưng họ đã đi đến kết luận về sự chậm trễ giữa phơi nhiễm asen và sự phát triển của các loại ung thư liên quan có thể khiến cho asen trở thành một trong những chất gây ung thư tồn tại dài nhất ở người. Những phát hiện này không chỉ bổ sung thông tin khoa học quan trọng về các mô hình ủ bệnh, mà còn có liên quan trực tiếp đến sức khoẻ cộng đồng.

Thời gian ủ bệnh dài sau khi giảm phơi nhiễm nghĩa là tỷ lệ mắc các bệnh liên quan đến asen có thể sẽ vẫn rất cao trong nhiều năm sau khi ngừng phơi nhiễm asen. Các biện pháp can thiệp về lâu dài để giảm tỷ lệ tử vong và bệnh tật, bao gồm sàng lọc bệnh, giảm phơi nhiễm phối hợp, lập kế hoạch điều trị và nguồn lực dịch vụ y tế và nâng cao nhận thức của công chúng về ảnh hưởng của asen đến sức khoẻ.

N.P.D (NASATI), theo https://www.sciencedaily.com/releases/2017/10/171024115610.htm