TS Lê Đại Vương giới thiệu hiệu quả của nano bạc trong bảo quản quả tươi
(Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam – Vaas) TS Lê Đại Vương (Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế), TS Võ Văn Quốc Bảo (ĐH Nông lâm Huế) cùng các cộng sự đã dày công nghiên cứu thành công chế phẩm sinh học từ tinh bột sắn có thể giúp hoa quả tươi lâu 35 ngày, thân thiện môi trường và an toàn cho sức khỏe con người.
TS Lê Đại Vương tâm sự, TT-Huế nổi tiếng với nhiều loại trái có múi đặc sản như bưởi Thanh Trà, quýt Hương Cần, cam Nam Đông… có giá trị dinh dưỡng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên quá trình quan sát trên quýt Hương Cần chúng tôi thấy rằng hầu hết các hộ nông dân bị thương lái ép giá và thị trường tiêu thụ chưa mở rộng do dễ bị dập và úng vì không có biện pháp hữu hiệu để bảo quản. Vì vậy chúng tôi quyết định nghiên cứu để tìm ra một giải pháp bảo quản lâu dài, giá thành phù hợp, dễ áp dụng.
Đề tài “Ứng dụng nano bạc trong sản xuất chế phẩm màng bảo quản một số quả tươi” được nhóm nghiên cứu từ năm 2015. Theo TS Lê Đại Vương, công nghệ nano là một lĩnh vực mới và hấp dẫn của khoa học, cho phép nâng cao nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực. Một trong số các hạt nano thân thiện với môi trường và con người được ứng dụng rộng rãi hiện nay là nano bạc. Các hạt nano bạc có diện tích mặt rất lớn, gia tăng tiếp xúc của chúng với vi khuẩn hoặc nấm và nâng cao hiệu quả diệt khuẩn và diệt nấm. Do đó, việc nghiên cứu chế tạo chế phẩm sinh học có khả năng kháng khuẩn từ tinh bột sắn, nano bạc từ một số nguồn gốc thực vật là rất thiết thực.
Cũng theo TS Vương, khi tiến hành nghiên cứu chế phẩm bảo quản, nhóm tiến hành phân lập, định danh nấm từ quả quýt Hương Cần rồi cấy nấm trên môi trường PDA (môi trường nuôi cấy vi sinh vật và nấm) có nồng độ nano bạc khác nhau để xác định được tính kháng khuẩn của dung dịch nano bạc. Từ đó, khẳng định dung dịch nano bạc có tính kháng khuẩn tốt dù nồng độ thấp (10ppm) và nhóm chọn mẫu nano có nồng độ 30ppm, và 50ppm để tạo chế phẩm sinh học.
Ở nồng độ 10ppm tính kháng khuẩn của nano yếu hơn so với 30ppm, 50ppm, 100ppm, 150ppm. Vì vậy, nhóm nghiên cứu chọn nano có nồng độ 30ppm và 50ppm để chế tạo màng bảo quản quả tươi. Để biết được những biến đổi của quýt trong quá trình bảo quản, nhóm đã tiến hành khảo sát một số yếu tố như cảm quan, hao hụt khối lượng, vitamin C, hàm lượng đường.
Sau 2 năm nghiên cứu giải pháp ứng dụng nano bạc trong sản xuất chế phẩm màng bảo quản một số quả tươi đã chứng minh hiệu quả với quả quýt Hương Cần, cà chua. Kết quả cho thấy chế phẩm sinh học từ nano bạc, chitosan và tinh bột sắn đảm bảo tính an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy đối với quả quýt Hương Cần được phun chế phẩm nano có thể tươi lâu đến 35 ngày đồng thời vẫn giữ được độ ngọt, mùi vị và màu sắc của cam, so với chỉ 9 ngày nếu không bảo quản.
“Nhờ cách bảo quản này quýt Hương Cần có thể được nhập khẩu hay vận chuyển đi xa trong thời gian dài và điều quan trọng nữa là cách sử dụng chế phẩm rất đơn giản, thuận tiện cho bà con áp dụng và giá thành cũng rất rẻ. Một lít chế phẩm chỉ có 50.000 đồng, sử dụng cho khoảng 2 – 3 tạ quýt”, TS Vương phấn khởi.
Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu của đề tài, nhóm đã hợp tác với làng Hương Cần, xã Hương Toàn, huyện Hương Trà nhằm giúp bà con ở đây bảo quản quýt đặc sản. TS Vương khẳng định, việc áp dụng chế phẩm màng bảo quản quả tươi sẽ hạn chế việc thu hái quýt trước thời điểm thu hoạch, đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng và vitamin C trong quýt. Hạn chế thất thoát khối lượng, giữ được màu sắc và hương vị tự nhiên.
Sau khi ứng dụng thành công bảo quản quýt Hương Cần, nhóm cho biết sẽ triển khai hướng dẫn chi tiết kỹ thuật cho người dân để nhân rộng mô hình, phát triển với nhiều loại trái cây khác như thanh long, bưởi, thanh trà…