Với đặc điểm riêng về điều kiện sinh thái và địa hình, Việt Nam được đánh giá là một trong 25 nước trên thế giới có mức độ đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Tuy nhiên, trong những năm gần đây với quá trình toàn cầu hoá, sự gia tăng dân số, yêu cầu của sự phát triển kinh tế và hệ quả của biến đổi khí hậu, các nguồn gen động, thực vật, vi sinh vật đang bị suy giảm nghiêm trọng, trong đó bao gồm cả nguồn gen thủy sản. Bộ sách đỏ Việt Nam (2008) cho thấy một bức tranh đáng lo ngại về tài nguyên động, thực vật của nước ta.

Ngoài việc tăng lên đáng kể số lượng loài bị đe dọa, thứ hạng mức độ đe dọa cũng tăng lên. Trong lĩnh vực thủy sản, hiện có 5 loài đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên, 17 loài có nguy cơ tuyệt chủng cực kỳ lớn, 72 loài có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn và 176 loài có nguy cơ tuyệt chủng lớn. Theo đó, tại Việt Nam Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng chương trình “Bảo tồn, lưu giữ nguồn gen động vật, thực vật và vi sinh vật” cho cả 3 lĩnh vực nông, lâm và thủy sản bắt đầu thực hiện từ năm 1987. Đến nay, mạng lưới bảo tồn và lưu giữ nguồn gen quốc gia đã được hình thành với 12 đơn vị đầu mối và hơn 60 đơn vị phối hợp thuộc 6 Bộ ngành và địa phương. Kết quả đạt được đến nay có khoảng 27.188 nguồn gen thực vật, 70 nguồn gen vật nuôi. Về lĩnh vực thủy sản, nhiệm vụ “Bảo tồn, lưu giữ nguồn gen và giống thủy sản nước ngọt” được thực hiện từ năm 1998 và nhiệm vụ “Bảo tồn, lưu giữ nguồn gen và giống thủy sản nước lợ, mặn” được thực hiện từ năm 2005 do các Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1,2,3 và Viện Hải sản chủ trì thực hiện. Kết quả Nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen thủy sản ở cả 4 Viện đã thu thập và lưu giữ thành công 68 nguồn gen thủy sản, trong đó có 50 nguồn gen cá nước ngọt, 12 nguồn gen cá biển, 2 nguồn gen giáp xác và 4 nguồn gen nhuyễn thể. Các nguồn gen này đã thực sự đóng góp một phần quan trọng trong phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản, y dược, nghiên cứu khoa học và đào tạo. Một số nguồn gen bản địa đã được phục hồi và thoát khỏi tình trạng nguy hiểm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nghề nuôi các đối tượng thủy sản kinh tế như cá biển có nguồn con giống chủ yếu từ khai thác tự nhiên hoặc nhập từ nước ngoài. Vấn đề là chưa tạo được đàn tôm, cá bố mẹ có chất lượng tốt để phục vụ nghiên cứu sản xuất giống trong khi nguồn cá bố mẹ trong tự nhiên đang ngày càng khan hiếm, thời gian thành thục của cá tương đối dài nên ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất. Công tác điều tra thu thập, lưu giữ bảo tồn các nguồn gen vi tảo và nguồn gen thủy sản quý hiếm, có giá trị kinh tế và tiềm năng phát triển vẫn nên tiếp tục thực hiện nhằm tái tạo và phục hồi nguồn lợi.

Nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, lưu giữ, phát triển nguồn gen và giống thủy sản có giá trị kinh tế xiii và khoa học nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu, tạo nguồn nguyên liệu cho chương trình sản xuất giống, góp phần phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản, nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do TS. Nguyễn Văn Hùng đứng đầu đã tiến hành thực hiện đề tài: “Bảo tồn, lưu giữ nguồn gen và giống thủy sản khu vực miền Trung”.

Trên cơ sở kế thừa kết quả từ những năm trước và tiếp tục triển khai các nội dung nghiên cứu mới, kết quả đề tài đạt như sau:

1) Về thu thập nguồn gen mới

Nguồn gen thủy sản: Thu mẫu vật sống gồm 150 cá thể cá chạch lấu ở lưu vực sông thuộc tỉnh Hậu Giang có khối lượng trung bình 0,18 ± 0,02 (0,15-0,21 kg/con); 40 cá thể cá bè vẫu có khối lượng 1,1 ± 0,13 kg/con (1-1,3 kg/con) tại Vân Phong – Khánh Hòa và 30 cá thể cá bè vẫu thay thế cho nguồn gen cá mú mỡ có khối lượng 1,5 ± 0,09 kg/con (1,3-1,6 kg/con) tại Tam Giang – Thừa Thiên Huế. Các nguồn gen sau khi thu thập được vận chuyển về nuôi thuần dưỡng tại Trung tâm QGGNN và NCPTNB Nha Trang, đạt tỷ lệ sống là 100%.

Nguồn gen vi tảo: Thu thập mới 3 nguồn gen vi tảo biển, bao gồm: Nannochloropsis oculata, Chaetoceros muelleri và Dicrateria inornata. Các nguồn gen đều thích nghi tốt với điều kiện lưu giữ.

2) Lưu giữ nguồn gen

10 nguồn gen thủy sản được lưu giữ an toàn bằng phương pháp Ex situ (lồng biển, bể xi măng và ao đất). Các hình thức lưu giữ, chế độ quản lý chăm sóc và phòng trị bệnh hiệu quả, phù hợp với đặc tính sinh học của từng nguồn gen.

Tỷ lệ sống ở các nguồn gen trong năm 2018 đạt từ 95% đến 100%, cụ thể như sau: cá mú cọp – 100% (35/35 cá thể), cá mú đỏ – 100 % (32/32 cá thể), cá bè vẫu – 100% (70/70 cá thể), hải sâm vú – 97,5 % (79/81 cá thể), hải sâm lựu – 100% (45/45 cá thể), tôm mũ ni trắng – 95% (38/40 cá thể), cá chép hồ Lắk – 100% (130/130 cá thể), cá trê vàng – 100% (150/150 cá thể), cá ngựa xám – 100% (48/48 cá thể) và cá chạch lấu – 100% (150/150 cá thể); đối với 09 loài vi tảo biển, qua quá trình lưu giữ cả 09 loài tảo này thích ứng tốt trong điều kiện lưu giữ với mật độ tế bào đạt được từ 5 vạn đến 3 triệu tb/ml.

3) Đánh giá nguồn gen

Các nguồn gen thủy sản mới thu thập (cá chạch lấu và cá bè vẫu) được đánh giá ban đầu về vùng phân bố, đặc điểm phân bố và khả năng thuần dưỡng; 3 nguồn gen vi tảo được đánh giá ban đầu về đặc điểm cấu tạo, hệ thống phân loại và môi trường lưu giữ. xiv Đánh giá chi tiết nguồn gen lưu giữ, cụ thể như sau: đánh giá tốc độ sinh trưởng trong điều kiện lưu giữ, xác định kích thước, khối lượng cá thể thành thục sinh dục lần đầu, mùa vụ sinh sản, sức sinh sản, khả năng sinh sản và ương ấu trùng.

Năm 2018, kết quả thăm dò sản xuất giống nguồn gen thu được: cá chép thu 122 vạn trứng, tỷ lệ thụ tinh 30%, thu 70 vạn cá chép bột, tỷ lệ sống ương lên cá giống đạt 30%; nguồn gen cá trê vàng: thu 10 vạn trứng, thụ tinh 60%, tỷ lệ nở 70%, thu 5 vạn cá bột, ương lên cá giống đạt tỷ lệ sống 70%; nguồn gen cá mú cọp đã đẻ 3 đợt thu 10,5 triệu trứng, tỷ lệ thụ tinh 50%; nguồn gen hải sâm vú thu 3,2 triệu trứng trong 4 đợt đẻ, tỷ lệ thụ tinh 30%; tôm mũ ni trắng đã đẻ 30 đợt thu 0,4 triệu trứng, tỷ lệ thụ tinh 65%, tỷ lệ nở 85%, ương nuôi ấu trùng hải sâm vú và tôm mũ ni trắng chưa đạt đến con giống.

Đối với nguồn gen vi tảo, đã thu thập, phân lập và lưu giữ giống gốc thành công 03 nguồn gen vi tảo mới. Xác định các điều kiện sinh thái và môi trường dinh dưỡng thích hợp cho nuôi sinh khối và lưu giữ giống gốc, xác định hình thức lưu giữ thích hợp cho từng nguồn gen tảo nhằm kéo dài thời gian lưu giữ mà không ảnh hưởng đến chất lượng và khả năng phát triển của vi tảo.

4) Tư liệu hóa nguồn gen

Kết quả đánh giá nguồn gen được tư liệu hoá và lưu trữ bộ cơ sở dữ liệu nguồn gen dưới dạng bản cứng gồm hồ sơ 19 nguồn gen và bản mềm trên trang web của nhiệm vụ tại địa chỉ: https://aquagenria3.org. Tùy nguồn gen, mức độ tư liệu hóa đạt từ 40% đến 100%. Năm 2018, dựa trên kết quả nghiên cứu, nhiệm vụ đã xuất bản 1 bài báo khoa học đăng trên tạp chí chuyên ngành.

5) Giới thiệu, trao đổi tư liệu, sử dụng và nâng cao chất lượng nguồn gen

Từ đàn bố mẹ nguồn gen đang lưu giữ, đã chọn lọc và cung cấp vật liệu cho chương trình khai thác nguồn gen (cá ngựa xám, hải sâm vú, tôm mũ ni bố mẹ); Đối với việc trao đổi sản phẩm nguồn gen, nhiệm vụ đã kết hợp với Trung tâm nuôi biển sản xuất cá mú lai từ trứng cá mú cọp và tinh cá mú nghệ nhưng chưa thành công do chất lượng tinh.

Như vậy, đề tài đã thực hiện đầy đủ các nội dung nghiên cứu theo thuyết minh và đạt được các chỉ tiêu sản phẩm

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17552/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

P.T.T (NASATI)