Các nhà nghiên cứu đã lên tiếng cảnh báo, biến đổi khí hậu có thể khiến mức thủy ngân độc hại trong hải sản như cá tuyết và cá ngừ tăng lên. Khoảng 4/5 thủy ngân được thải vào khí quyển do các nguyên nhân tự nhiên và do con người như đốt than và rơi xuống đại dương. Sau đó, nó được các sinh vật nhỏ bé chuyển đổi thành dạng hữu cơ đặc biệt nguy hiểm được gọi là methyl thủy ngân.

Khi những sinh vật nhỏ bị sinh vật lớn ăn, thủy ngân sẽ tích tụ nhiều hơn trong chuỗi thức ăn. Khi nước biển ấm lên, những con cá như cá tuyết sử dụng nhiều năng lượng để bơi nên cần nhiều calo. Vì thế, chúng ăn nhiều nên tích trữ nhiều chất độc hơn.

Methyl thủy ngân có thể gây ảnh hưởng đến chức năng não người. Đặc biệt, trẻ em có nguy cơ tiếp xúc với thủy ngân từ cá trong khi não và hệ thần kinh của trẻ đang phát triển trong bụng mẹ. Dù quy định hạn chế phát thải thủy ngân làm giảm hàm lượng chất độc này trong cá, nhưng nhiệt độ đại dương tăng do biến đổi khí hậu được dự đoán sẽ khiến hàm lượng thủy ngân tăng trở lại.

Các nhà nghiên cứu tại trường Kỹ thuật và Khoa học ứng dụng Harvard John A Paulson và trường Y tế công cộng Harvard TH Chan đã lập mô hình những thay đổi trong phát thải thủy ngân. Mô hình máy tính dự đoán nhiệt độ nước biển tăng 1 độ C so với năm 2000, sẽ làm tăng 32% hàm lượng metyl thủy ngân trong cá tuyết và tăng 70% ở cá chó gai. Ngay cả khi metyl thủy ngân trong nước biển giảm 20% do giảm khí thải, thì mức tăng 1 độ C sẽ dẫn đến làm tăng 10% hàm lượng thủy ngân ở cá tuyết và 20% ở cá chó gai.

Nhóm nghiên cứu cũng đã phân tích tác động của tình trạng nóng lên ở đại dương gần đây từ mức thấp vào năm 1969 đến hàm lượng thủy ngân trong cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương và nhận thấy nó có thể góp phần làm tăng hàm lượng thủy ngân lên ước tính 56% trong loài này.

Những thay đổi trong chế độ ăn của các loài bao gồm cá tuyết và cá chó gai là do tình trạng đánh bắt quá mức nguồn thức ăn của chúng như cá trích, cũng có thể ảnh hưởng đến lượng metyl thủy ngân mà chúng đang tiêu thụ và lưu trữ trong cơ thể. Các nhà nghiên cứu đã xem xét tác động của việc đánh bắt quá mức làm thay đổi nguồn thức ăn của các động vật ăn thịt hàng đầu.

 

Các nhà khoa học cho biết, hàm lượng chất độc trong cá tuyết tăng lên đến 23% trong những năm 1970 và 2000 do chế độ ăn của cá thay đổi, bắt nguồn từ tình trạng đánh bắt quá mức và sau đó là sự phục hồi của quần thể cá trích.

Elsie Sunderland, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi đã chỉ ra những lợi ích của việc giảm phát thải thủy ngân. Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn tiếp tục xu hướng giảm phơi nhiễm methyl thủy ngân trong tương lai, thì cần có một cách tiếp cận hai hướng. Biến đổi khí hậu sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng phơi nhiễm của con người với methyl thủy ngân thông qua hải sản. Do đó, để bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người, chúng ta cần điều tiết cả phát thải thủy ngân và khí nhà kính”.

N.T.T (NASATI), theo https://www.independent.co.uk/environment/climatechange- seafood-toxic-mercury-study-ocean-temperatures-a9045626.html,