Những năm gần đây, cộng đồng khởi nghiệp về vi mạch bắt đầu nhen nhóm. Nhiều bạn trẻ đã mạnh dạn bước vào con đường khởi nghiệp với ngành nghề còn rất non trẻ.
Khao khát sản phẩm vi mạch thương hiệu Việt
Võ Công Hoàng (25 tuổi, quê Quảng Ngãi), một trong những thành viên sáng lập Pyroject, chia sẻ sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã đi làm thuê cho các công ty nước ngoài. Sau đó Hoàng nhận thấy ngành vi mạch ở Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng nhưng trong nước rất ít người khai phá. Hoàng khao khát làm ra các sản phẩm điện tử, vi mạch thương hiệu Việt, do chính kỹ sư Việt tạo nên. Năm 2017, Hoàng cùng bạn bè bỏ công việc với mức lương vài ngàn đô la ở công ty nước ngoài. Năm 2019 Hoàng thành lập Pyroject với khao khát tạo nên các sản phẩm vi mạch và điện tử chất lượng cao.
Theo Hoàng, vi mạch hay còn gọi là chíp điện tử, là những thành phần cốt lõi trong các mạch điện tử. Nó được cấu thành từ các linh kiện điện tử, linh kiện bán dẫn với kích thước siêu nhỏ. Các sản phẩm điện tử, điện gia dụng như ti vi, tủ lạnh, máy giặt… đều không thể thiếu vi mạch. Tuy vậy, ở trong nước vẫn chưa thể thực hiện được trọn vẹn, nắm bắt được công nghệ về vi mạch.
Khởi nghiệp đã khó, khởi nghiệp vi mạch còn khó gấp bội vì nó đòi hỏi hàm lượng chất xám cao. Hoàng khởi nghiệp được gần 2 năm, với hơn 10 nhân viên. “Chúng tôi đã mất gần một năm để nghiên cứu công nghệ và một năm để hoàn thiện sản phẩm mẫu”, Hoàng cho biết.
Với sản phẩm đầu tay là hệ thống kiểm soát an toàn trong sản xuất, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, thị giác máy kết hợp với công nghệ vi mạch, Pyroject tạo ra sản phẩm giúp kiểm soát các hoạt động đảm bảo an toàn trong nhà máy. Sản phẩm này được một tập đoàn lớn đầu tư đặt hàng với số lượng lớn. Ngoài ra, công ty của Hoàng còn gia công, nghiên cứu vi mạch cho những công ty có nhu cầu.
Từng làm qua nhiều công việc, Nguyễn Ngọc Huân (26 tuổi, TP.Tuy Hòa, Phú Yên) bắt đầu khởi nghiệp từ tháng 11.2017 trong lĩnh vực vi mạch IoT (thu thập và kết nối dữ liệu) với Công ty iNut Platform.
Huân cho biết, hệ sinh thái kết nối vạn vật của iNut (phần mềm kết nối thiết bị lên internet) được tạo nên bởi nhiều kết tinh công nghệ, cả về phần cứng, phần mềm lẫn mạng truyền thông.
Bên cạnh đó, Huân còn phát triển mảng bảo mật làm hạ tầng cho các dự án IoT của mình.
“iNut đưa ra một hướng tiếp cận hoàn toàn khác trong ngành công nghiệp IoT, khi rút ngắn thời gian làm ra một dự án IoT từ 6 tháng xuống còn 1 tuần. Từ đó, các nhà phát triển có ý tưởng sáng tạo có thể dễ dàng đưa các ý tưởng IoT của mình đến tay khách hàng, vào thực tế cuộc sống một cách nhanh nhất”, Huân nói.
Phải đầu tư, nghiên cứu vào thị trường ngách
Ông Lê Thành Nguyên, Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao (SHTP-IC), cho rằng thị trường và điểm khác biệt của sản phẩm chính là yếu tố các nhà khởi nghiệp trẻ cần quan tâm khi phát triển các sản phẩm thuộc các lĩnh vực vi mạch. Các bạn trẻ cần đầu tư công sức tìm ra những thị trường ngách, phù hợp với năng lực và điều kiện của doanh nghiệp. Ngoài ra, phải đầu tư vào quá trình nghiên cứu, phát triển tạo ra các giá trị khác biệt của sản phẩm, mang đến nhiều lợi ích cho khách hàng, từ đó mới có được sự phát triển bền vững.
Theo ông Nguyên, hiện nay và trong tương lai gần, nhu cầu các sản phẩm vi mạch rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh nhà nước cũng như các doanh nghiệp đang triển khai mạnh mẽ hoạt động số hóa, tự động hóa quá trình sản xuất, kinh doanh… Việc phát triển các sản phẩm có hàm lượng sáng tạo cao, phù hợp với tình hình, nhu cầu đặc thù của Việt Nam sẽ là lối đi hiệu quả để các nhà khởi nghiệp Việt có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp trên thế giới.
Theo Phạm Hữu
(Thanh Niên Online)