(Theo NASATI) – Ngày 16/5, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh và Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) Nguyễn Kim Sơn đã ký kết Chương trình phối hợp công tác giữa hai bên giai đoạn 2017-2020.
Chương trình phối hợp được thực hiện nhằm mục đích thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 29/3/2013 (Ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01 tháng 11 năm 2012 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế); Tăng cường sự phối hợp giữa hai bên để thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược Phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020; Góp phần phát triển ĐHQGHN trở thành đại học nghiên cứu hàng đầu trong khu vực ASEAN và là tổ chức KH&CN mạnh hàng đầu của cả nước. Lễ Ký kết phối hợp hoạt động song phương là một trong nhiều hoạt động thiết thực chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam lần thứ 4.
Theo Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn, những năm qua, đặc biệt là sau khi có Nghị quyết số 20-NQ/TW về phát triển KH&CN, Chiến lược phát triển KH&CN quốc gia đến 2020, Chỉ thị 16/CT-CP về chủ động tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, bên cạnh việc phát huy truyền thống trong nghiên cứu khoa học cơ bản và tập trung đầu tư nghiên cứu vào các lĩnh vực khoa học mũi nhọn, ĐHQGHN đã chú trọng phát triển các hoạt động nghiên cứu khoa học ứng dụng gắn với doanh nghiệp, hướng tới khởi nghiệp, theo phương châm “KH&CN là động lực phát triển đại học nghiên cứu và hướng tới tự chủ và xếp hạng đại học từ các kết quả khoa học mới, sản phẩm khoa học mới, chương trình đào tạo mới có chất lượng và gắn với nhu cầu thực tiễn”.
Theo Chương trình hợp tác, hai bên sẽ phối hợp triển khai các Chương trình phát triển khoa học cơ bản; lựa chọn, hình thành và đầu tư phát triển một số tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng thuộc ĐHQGHN đạt trình độ khu vực và thế giới, đủ khả năng giải quyết những vấn đề quan trọng của quốc gia để thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020.
Hai cơ quan cùng phối hợp triển khai “Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” giai đoạn 2013-2018 (Quyết định số 1746/QĐ-BKHCN ngày 28/6/2013 của Bộ trưởng Bộ KH&CN). Đồng thời, phối hợp triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, hỗ trợ ứng dụng và đổi mới công nghệ ở ĐHQGHN để làm chủ công nghệ, góp phần phát triển sản phẩm quốc gia và sản phẩm công nghệ cao theo Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia (Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ); Chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020 (Quyết định số 2075/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm (Quyết định số 592/QĐ-TTg ngày 22/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ).
Bên cạnh đó, Bộ KH&CN hỗ trợ ĐHQGHN triển khai các hoạt động về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo theo Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020; Quyết định số 1062/QĐ-TTg ngày 14/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp” và Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”; Triển khai thực hiện “Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” tại Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Hai bên cũng sẽ phối hợp tổ chức triển khai kịp thời các nhiệm vụ đột xuất đáp ứng yêu cầu của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Phát biểu tại buổi Lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã gửi lời chúc mừng tới các giáo sư, nhà khoa học nhân Ngày KH&CN Việt Nam (18/5). Bộ trưởng cũng nhấn mạnh vai trò của KH&CN và những đóng góp của các nhà khoa học, tổ chức KH&CN, doanh nghiệp,…
Bộ trưởng cho biết, giai đoạn hiện nay, cả nước đang ưu tiên, tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, từ nền kinh tế chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên sang nền kinh tế chủ yếu dựa vào KH&CN. Bộ KH&CN đã và đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đưa tinh thần Nghị quyết số 20/NQ-TW về phát triển KH&CN, đặc biệt là việc triển khai các yêu cầu về hoạt động KH&CN phục vụ phát triển kinh tế – xã hội nêu tại các nghị quyết của Chính phủ.
Trong khuôn khổ chuỗi những hoạt động nhân ngày KH&CN năm 2017, đại diện lãnh đạo Bộ KH&CN cùng Lãnh đạo ĐHQGHN đã cắt băng khánh thành Tòa nhà Ươm tạo tài năng và Hỗ trợ khởi nghiệp, ĐHQGHN. Đây sẽ là nơi hoạt động của Văn phòng giám định công nghệ và Văn phòng chuyển giao công nghệ – những văn phòng đầu tiên của Việt Nam chuyên trách các hoạt động nói trên. Văn phòng chuyển giao công nghệ là điểm kết nối cung – cầu, tổ chức các hoạt động cơ bản như: Tư vấn công nghệ, kết nối đầu tư tài chính – công nghệ, tư vấn cải tiến kỹ thuật với sự tham gia của các chuyên gia tư vấn trực tuyến; tổ chức các khóa đào tạo về kỹ năng đàm phán chuyển giao, mua bán công nghệ; kỹ năng quản lý công nghệ trong doanh nghiệp; tổ chức các buổi giới thiệu công nghệ, hội thảo chuyên đề và theo nhu cầu của doanh nghiệp. Văn phòng giám định công nghệ là đầu mối cung cấp dịch vụ, tư vấn và hỗ trợ cán bộ khoa học hoàn tất các thủ tục đăng ký, chứng nhận phát minh, sáng chế; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm nghiên cứu.
Lãnh đạo Bộ KH&CN cùng Lãnh đạo ĐHQGHN cắt băng khánh thành Tòa nhà Ươm tạo tài năng và Hỗ trợ khởi nghiệp, ĐHQGHN