Các kỹ sư tại Trường Đại học Maryland đã đưa ra một phương pháp mới sử dụng gỗ để lọc nước. Cụ thể, nhóm nghiên cứu của ông Liangbing Hu thuộc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng đã bổ sung các hạt nano vào gỗ, sau đó sử dụng để lọc thuốc nhuộm độc hại ra khỏi nước.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã ngâm khối gỗ của cây bồ đề trong palađi, kim loại được sử dụng bên trong bộ chuyển đổi xúc tác của xe hơi để loại bỏ các chất ô nhiễm từ khí thải. Trong bộ lọc mới, palađi liên kết với các hạt thuốc nhuộm. Các rãnh tự nhiên của gỗ trước đây vận chuyển nước và các dưỡng chất giữa lá và rễ, thì giờ cho phép nước chảy qua các hạt nano để khử hiệu quả các hạt thuốc nhuộm độc hại. Nước được nhuộm màu metylen, từ từ chảy nhỏ giọt qua gỗ và trong trở lại. Amy Gong, nghiên cứu sinh chuyên ngành khoa học vật liệu và là đồng tác giả nghiên cứu cho rằng: “Phương pháp này có thể được sử dụng tại những vùng nước thải chứa các hạt thuốc nhuộm độc hại“.
Nghiên cứu của Trường Đại học Maryland nhằm mục đích phân tích gỗ bằng ống kính kỹ thuật. Các nhà nghiên cứu không so sánh bộ lọc bằng gỗ với các loại bộ lọc khác; đúng ra, họ muốn chứng minh gỗ có thể được sử dụng để loại bỏ tạp chất. Liangbing Hu, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết họ đang tìm cách sử dụng bộ lọc bằng gỗ để khử kim loại nặng như chì và đồng ra khỏi nước. Nhóm nghiên cứu dự kiến sẽ mở rộng quy mô công nghệ này cho các ứng dụng công nghiệp thực tế.
Nghiên cứu mới của Trường Đại học Maryland đã được công bố trên tạp chí ACS Nano, là phương thức sử dụng gỗ sáng tạo nhất cho đến nay. Trước đây, nhóm nghiên cứu này đã chế tạo được pin và siêu tụ điện từ gỗ, một loại pin từ lá và loại gỗ trở nên trong suốt sau khi được sử dụng cho cửa sổ.
N.P.D (NASATI), Theo https://www.sciencedaily.com/releases/2017/05/170504173349.htm, 4/5/2017