Theo một nghiên cứu của Trung tâm Tyndall thuộc trường Đại học East Anglia (UEA), nỗ lực cắt giảm lượng khí thải CO2 và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu tại các nền kinh tế phát triển bắt đầu có kết quả.

Nghiên cứu cho thấy các chính sách hỗ trợ năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng đang giúp giảm lượng khí thải tại 18 nền kinh tế phát triển. Nhóm các nước gây ra 28% lượng khí thải toàn cầu, bao gồm Anh, Mỹ, Pháp và Đức.

Nhóm nghiên cứu đã phân tích những lý do dẫn đến sự thay đổi lượng khí thải CO2 tại các quốc gia có phát thải giảm mạnh trong khoảng từ năm 2005 đến năm 2015. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Nature Climate Change, cho thấy sự sụt giảm lượng khí thải CO2 chủ yếu là do năng lượng tái tạo đã thay thế nhiên liệu hóa thạch và giảm sử dụng năng lượng.

Tuy nhiên, việc giảm sử dụng năng lượng được giải thích một phần là do tăng trưởng kinh tế thấp hơn làm giảm nhu cầu năng lượng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008 – 2009. Đặc biệt, các quốc gia có phát thải CO2 giảm nhiều nhất là những quốc gia áp dụng nhiều chính sách năng lượng và khí hậu.

Các nhà nghiên cứu đã so sánh các quốc gia có lượng phát thải giảm với các quốc gia có phát thải tăng. Kết quả cho thấy các chính sách khuyến khích tăng hiệu quả năng lượng có liên quan đến việc cắt giảm khí thải ở tất cả các quốc gia. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng các chính sách khuyến khích năng lượng tái tạo có liên quan đến việc giảm khí thải, nhưng chủ yếu chỉ các nền kinh tế phát triển mới có phát thải giảm, mà không phải nơi khác.

Dữ liệu cho thấy những nỗ lực giảm khí thải đang được áp dụng tại nhiều quốc gia, nhưng những nỗ lực này cần được mở rộng và tăng cường để hạn chế biến đổi khí hậu dưới mức 2 độ C theo Thỏa thuận Paris. Các tác giả cho rằng việc phát hiện những lý do đằng sau những thay đổi gần đây về phát thải là rất quan trọng để định hướng nỗ lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Phát thải CO2 toàn cầu sẽ phải giảm khoảng ¼ vào năm 2030 để hạn chế biến đổi khí hậu dưới mức 2 độ C và giảm một nửa để duy trì dưới mức 1,5 độ C. Lượng khí thải CO2 toàn cầu tăng trung bình 2,2%/năm trong giai đoạn 2005-2015.

N.T.T (NASATI), theo https://www.sciencedaily.com/releases/2019/02/190225112234.htm,