Cánh tay robot trong hệ thống sản xuất tại nhà máy Công ty Juki
(Theo báo Sài Gòn giải phóng) Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra, dự báo đem lại những cơ hội việc làm có năng suất cao hơn, đồng thời kèm theo thách thức về nguy cơ mất việc làm, nhất là trong những ngành nghề, việc làm giản đơn. “Cuộc chiến” việc làm giữa máy móc và con người ra sao?
Doanh nghiệp chủ động, công nhân thờ ơ
Chị Nguyễn Thị Thanh Hiền (36 tuổi, quê Sóc Trăng), là công nhân may tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TPHCM). Hơn 15 năm làm công nhân, chị chỉ biết mỗi ngày lên công ty “ôm” chiếc máy may làm việc, chiều về nhà trọ lo cơm nước và chăm sóc các con.
Hỏi về việc học tập nâng cao tay nghề, trình độ, chị lắc đầu, bảo vì công việc của chị cũng chỉ có may theo công đoạn nên trước đến giờ không nghĩ đến học tập thêm gì cả.
“Mà tôi cũng không có thời gian đi học. Từ sáng sớm phải vào nhà máy, có hôm tăng ca đến 9 giờ tối, mệt nhừ! Ngày nào không tăng ca thì cũng lo chạy về đón con, đâu còn thời gian và sức để đi học”, chị Hiền chia sẻ.
Đó cũng là lý do chung của nhiều công nhân đang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn TPHCM. Nói về viễn cảnh bị đào thải khi không có trình độ – nếu các ứng dụng khoa học công nghệ 4.0 được áp dụng, anh Phạm Hồng Tài, công nhân một công ty giày da tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, bảo: “Tôi lớn tuổi rồi, học hành gì nữa. Tôi có nghe nói đến công nghiệp 4.0 gì đó, nhưng đến lúc công ty có máy móc hiện đại, chắc tôi cũng đến tuổi nghỉ làm”. Khi trả lời như vậy, anh Tài chỉ mới 35 tuổi.
Dù nhiều công nhân vẫn còn thờ ơ với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng tại nhiều doanh nghiệp (DN), sự chuẩn bị, đầu tư công nghệ đã được thực hiện.
Theo ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Vissan), để đón đầu làn sóng công nghệ này, công ty đã lên kế hoạch đầu tư hệ thống nhà máy sản xuất mới có quy trình khép kín, tự động hóa, với chi phí hàng ngàn tỷ đồng.
Còn tại Công ty cổ phần Tập đoàn Limo (huyện Hóc Môn), thời gian gần đây đã có sự đầu tư mạnh về con người, máy móc, thiết bị, hạ tầng, đội ngũ IT. Ông Huỳnh Tấn Lộc, Tổng Giám đốc công ty, cho biết công nghệ giúp công ty có sự hỗ trợ nhanh chóng từ nhà cung cấp đến nhà xưởng và kết nối với khách hàng mọi lúc mọi nơi.
Qua đó giúp khách hàng nhìn thấy sản phẩm từ lúc lên ý tưởng, chọn nguyên vật liệu, đến kiểu dáng, linh kiện. Việc làm này giúp công ty và cả khách hàng tiết kiệm thời gian và chi phí.
Phụ thuộc vào sự chuẩn bị của mỗi người
TS Lê Kim Dung, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTB-XH), đánh giá cách mạng công nghiệp 4.0 tác động rất lớn đến thị trường lao động về 3 yếu tố: số lượng việc làm, chất lượng việc làm, kết nối cung cầu.
Ở mặt tích cực, với sự áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin, thị trường lao động gia tăng số lượng việc làm, đặc biệt là các việc làm cần lao động có kỹ năng.
Các điều kiện lao động được cải thiện hơn, góp phần nâng cao chất lượng lao động, chất lượng việc làm. Trong kết nối cung cầu, các trung tâm dịch vụ việc làm với ứng dụng công nghệ mang lại tiện ích cho người lao động…
Ở khía cạnh khác, những công việc đơn giản, dễ bị thay thế có thể biến mất. Nhiều tiên lượng đã chỉ ra, nhiều việc làm giản đơn trong các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày… bị mất đi.
Theo TS Lê Kim Dung, hiện nay cả nước chưa có nghiên cứu tổng thể về quy mô tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 lên người lao động, dự báo số lượng người lao động bị ảnh hưởng. Một số tổ chức có dự báo khoảng 50% việc làm bị mất, tuy nhiên, theo bà Dung thì “những dự báo đó đôi khi vượt quá thực tế”.
Cục trưởng Cục Việc làm phân tích, trong ngành dệt may, làm ra một sản phẩm, ví dụ làm cái váy, cần đến 78 động tác. Trong khi đó, máy móc chỉ có thể làm được 8 bước cơ bản, điều đó có nghĩa là vẫn sử dụng bàn tay, trí óc của con người là chủ yếu.
Chưa kể, sử dụng máy móc có khi cũng đắt không kém con người, bởi DN phải xây dựng cả quy trình sử dụng máy móc, máy móc cũng phải thay thế và cần có người để thao tác. Chính các DN cũng cân nhắc kỹ lưỡng trong việc áp dụng máy móc như thế nào.
Theo bà Lê Kim Dung, “cuộc chiến” việc làm giữa máy móc và con người phụ thuộc rất nhiều vào việc chuẩn bị cho cuộc cách mạng 4.0 như thế nào. Quan trọng nhất là nhìn ra xu hướng để có sự chuẩn bị; nếu không có sự chuẩn bị thì sẽ bị thay thế, còn mức độ bị thay thế như thế nào phụ thuộc vào chính mỗi người lao động và cơ quan quản lý.
Với người lao động, cần chuẩn bị đào tạo, tự đào tạo, trau dồi liên tục, không phải học tập suốt đời mà học tập suốt ngày để nâng cao trình độ. Cơ quan nhà nước cần chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng nhu cầu xã hội, nhất là những ngành, nghề mới xuất hiện như lập trình robot, sản xuất robot, tự động hóa; công tác dự báo, thông tin thị trường lao động cập nhật liên tục.
Đối với những người lao động yếu thế trong cuộc cách mạng 4.0, bà Dung cho hay sẽ nghiên cứu, xây dựng các chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích DN sử dụng lao động lớn tuổi, chính sách tạo việc làm cho người dễ bị tổn thương trong xã hội.
Đồng thời, thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng tăng tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động khi thất nghiệp để sớm quay trở lại thị trường lao động. Cùng với đó, hỗ trợ DN đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.