Cây mắc-ca là loại cây gỗ lớn, tên khoa học là macadamai, thuộc họ Protaceae, là loài cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; cho quả có nhân chứa chất dinh dưỡng dồi dào, hàm lượng dầu lên tới 78%. Trong dầu mắc-ca có trên 87% là axit béo không no, hàm lượng protein trong nhân lên tới 9,2%, cùng 20 loại axít amin rất cần thiết cho cơ thể… Nhân hạt mắc-ca có mùi thơm nhẹ, có thể dùng làm nhân bánh ngọt, nhân chocolate, kem, bánh hộp, hoặc ăn trực tiếp ở dạng đồ hộp rất được ưa chuộng ở Mỹ, châu Âu.
Ở Việt Nam, mắc-ca là cây nhập nội từ năm 1990, thuộc nhóm cây lâm sản ngoài gỗ trong danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính. Đến nay, cả nước có 28 tỉnh trồng mắc ca, với tổng diện tích là 18.840 ha, tập trung chủ yếu tại hai vùng Tây Bắc và Tây Nguyên; diện tích cho thu hoạch là 6.853 ha, sản lượng năm 2021 ước đạt 8.514 tấn hạt tươi/năm. Thị trường tiêu thụ sản phẩm mắc ca chủ yếu là trong nước và một số nước, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).
Cây mắc-ca mang lại giá trị kinh tế cao và có thể trồng xen canh với các cây trồng khác như cà phê, tiêu, điều… Đây là loại cây lâm nghiệp đa mục đích, mang lại lợi ích kinh tế cao cho người trồng. Đồng thời, việc trồng mắc-ca cũng là trồng lại rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc, giúp cải thiện môi trường thiên nhiên đang bị suy giảm. Tuy nhiên, do đặc điểm là cây rừng, thời gian sinh trưởng, thu hoạch kéo dài hàng chục năm nên việc phát triển cây mắc-ca phải đặc biệt lưu ý trong lựa chọn cây giống để bảo đảm tính bền vững cả về chu kỳ phát triển của cây cũng như thu nhập của người nông dân.
Có thể nói, việc phát triển cây mắc-ca ở nước ta trong thời gian qua đã thu được những kết quả tích cực, tăng nhanh về diện tích và sản lượng. Tuy vậy, do tình trạng phát triển cây mắc-ca tự phát ở một số nơi, trồng theo phong trào và không đúng quy trình kỹ thuật, trồng ở nơi có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng không phù hợp, sử dụng những giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trồng giống cây thực sinh, nên nhiều diện tích cây sinh trưởng kém, sản lượng quả thấp hoặc không có quả.
Mặt khác, quá trình chế biến hạt mắc-ca còn đơn giản, sản phẩm chưa tinh và chất lượng chưa cao; thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được mở rộng; thiếu sự đồng bộ về cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, thu hút sự tham gia của người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển cây mắc-ca.
Vì thế, để bảo đảm cho sự phát triển bền vững của loại cây này, rất cần có cơ chế chính sách đặc thù, tạo điều kiện để doanh nghiệp, cộng đồng, hộ gia đình và cá nhân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn; bảo hiểm cho chương trình phát triển cây mắc-ca trên cơ sở ưu đãi vay dài hạn phù hợp với chu kỳ đầu tư, kinh doanh cây mắc-ca. Cùng với đó áp dụng công nghệ đối với sản xuất và chế biến mắc-ca, cần hình thành các vùng sản xuất mắc-ca ứng dụng công nghệ cao để triển khai thực hiện các biện pháp canh tác tiên tiến, đồng bộ…
Triệu Cẩm Tú, (NASATI), tổng hợp 10/2022