Nhóm tác giả của Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM mới đây đã chọn tạo được 2 giống cà chua bi mới, thích hợp trồng trong nhà màng tại TPHCM, cho năng suất, chất lượng cao và chống chịu tốt với bệnh héo xanh vi khuẩn.
Hiện nay, các giống cây trồng áp dụng công nghệ cao chủ yếu là các loại rau ăn lá (cải, mồng tơi,…), rau ăn trái (dưa leo, cà chua, khổ qua,…), các giống cây ngắn ngày (dưa lưới, dưa hấu). Đối với cà chua, nguồn giống chủ yếu là nhập khẩu. Các nghiên cứu lai, chọn tạo giống cà chua bi mới được tiến hành trong những năm gần đây, tập trung chủ yếu ở phía Bắc và Tây Nguyên. Khu vực phía Nam rất ít các nghiên cứu về giống cà chua bi.
Cà chua bi chất lượng cao, phục vụ ăn tươi là chính, đặc biệt giống này phù hợp với công nghệ đóng hộp nguyên trái. Thịt dày, mịn, chắc, khô ráo, vị ngọt, có mùi thơm, trái cứng, chịu được vận chuyển xa. Cà chua bi dễ trồng, trồng được nhiều vụ, sai trái và giá bán cao gấp 2 – 3 lần cà chua thường nên mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thực tế hiện nay, một số giống chịu được nóng, dễ lấy hạt làm vật liệu chọn lọc giống, nhưng có chất lượng thấp. Trong khi đó, một số giống nhập có nguồn gốc ôn đới, cho năng suất, chất lượng trái, tính chống chịu bệnh tốt, nhưng lại rất khó giữ hạt để làm vật liệu chọn lọc. Vì vậy, cần tiến hành lai tạo các giống chịu nóng, với các giống nước ngoài có năng suất, chất lượng trái tốt, chống chịu bệnh tốt, để thích nghi với điều kiện trồng tại TPHCM và các tỉnh phía Nam.
Chọn tạo và trồng thử nghiệm các giống cà chua bi mới. Ảnh: NNC
Nhóm tác giả đã sưu tầm và đánh giá các loại giống (trong nước, nhập khẩu, địa phương, dại) để làm vật liệu lai giống. Sau khi trồng và khảo nghiệm, đánh giá, các giống có đặc tính tốt (năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh, hình dáng đẹp,…) được đem lai tạo với nhau.
Kết quả, nhóm tác giả đã tạo ra được 12 giống thuần dùng làm vật liệu cho lai tạo giống cà chua F1. Đồng thời, chọn được 2 giống cà chua bi thuần có triển vọng (TN47 – 180 và TN47 – 188), có năng suất, chất lượng trái tương đương với giống đối chứng lại F1 (HT144). Cụ thể, trái cứng chắc mịn, ngọt dịu, có mùi hương, độ ngọt (Brix) đạt từ 5,9 – 6,2, thích hợp cho ăn tươi, chế biến salad và vận chuyển đi xa được. Hai giống này tỷ lệ đậu trái trên 70%, số lượng khoảng 90 trái/cây, năng suất cá thể từ 1 – 1,2kg/cây. Đồng thời, giống thích nghi với điều kiện trồng trong nhà màng, chịu được nhiệt độ nóng (35 – 45°C) và có khả năng kháng bệnh xoăn lá do virus, bệnh héo xanh do vi khuẩn và bệnh vàng lá.
Nghiên cứu của nhóm tác giả đã tạo ra được giống cà chua bi mới, giúp đa dạng giống cây trồng trong hệ thống nhà màng của khu vực TPHCM và các tỉnh lân cận. Hiện nay, nhóm có thể cung cấp giống cà chua bi mới nói trên cho thị trường. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu thanh lọc tính chống chịu của giống trong điều kiện nhân tạo.
Nguồn: Kiều Anh – khoahocphattrien.vn