(Theo Diễn đàn trí thức – Báo Đất Việt)Khoa học công nghệ là điều kiện tất yếu để phát triển kinh tế công nghiệp nhưng Việt Nam đã muốn thành kinh tế trí thức.

PGS.TS Nguyễn Hữu Tri – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học hành chính đánh giá chung, tái cơ cấu kinh tế Việt Nam cần đặt ra vấn đề cốt lõi, chủ lực thì mới có thể đi vào thực hiện.

Theo PGS.TS. Tri, điều cốt lõi hiện nay là thúc đẩy khoa học và công nghệ.

 

Mục tiêu có nền kinh tế công nghiệp còn xa với Việt Nam.

Ông Tri cho rằng, sự phát triển của tất cả các quốc gia trên thế giới đều diễn ra theo quy luật: chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp với phương thức thông qua công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sau đó tiếp tục chuyển từ nền công nghiệp sang nền kinh tế tri thức với phương thức tập trung vào 3 mũi nhọn: phát triển công nghệ, công nghệ sinh học và công nghệ nano.

Bởi vì chính phát triển công nghệ là động lực, có yếu tố quyết định tới tăng trưởng kinh tế.

Do vậy, khi tập trung vào mục tiêu tái cơ cấu trong bối cảnh kinh tế hiện nay, cần phải xác định, KH-CN đóng vai trò chủ lực, là phương thức để phát triển từ nền kinh tế này sang nền kinh tế cao hơn.

Không xác định vấn đề yếu tố nào làm động lực thì không thể thực hiện các bước tiến để phát triển kinh tế được.

Sau khi đã xác định được chủ lực để tăng trưởng nền kinh tế, các quốc gia trên thế giới đều tập trung vào giải quyết 4 nguồn lực.

Một là, tăng cường đầu tư vào đối tượng, trang thiết bị và cơ sở vật chất trong quá trình sản xuất hàng hóa và dịch vụ và các hoạt động thương mại ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Song, đến nay, đây không nhất thiết là nguyên nhân làm cho nền kinh tế có năng suất cao.

Trong nền kinh tế hàng hóa-dịch vụ, kinh nghiệm của nước đi trước như Nhật Bản, yếu tố thương mại quốc tế sẽ làm nên thành công trong tương lai.

Hai là, khai thác cơ sở hạ tầng là yếu tố quan trọng song lại có hại. Bởi trong nền kinh tế công nghiệp, phương thức chủ yếu là máy móc, công nghệ nhưng trong nền kinh tế tri thức thì tri thức mới là tư liệu sản xuất chủ yếu.

“Chúng ta xác định tới năm 2020 là cơ bản trở thành đất nước công nghiệp. Đến nay chúng ta chưa làm được gì cả trong nền kinh tế công nghiệp, nhưng lại đã được xác định chuẩn bị bước sang nền kinh tế tri thức. Khoảng thời gian hàng chục năm qua bỏ lỡ cơ hội thay đổi vì không xác định được cần dựa vào đâu để phát triển và chuyển đổi mô hình kinh tế” – PGS.TS. Nguyễn Hữu Tri đánh giá.

“Bây giờ chúng ta nên cảm thấy day dứt để hành động mà không thể trì trệ thêm nữa. Không hành động thì không bao giờ có được” – vị chuyên gia nói thêm.

Ba là, tri thức công nghệ. Trong lịch sử phát triển kinh tế các nước trên thế giới, tuy có nhiều lúc khác nhau song quá trình sáng chế thay đổi công nghệ không cần tiến hành theo từng bước mà có thể có các bước tiến xa hơn, bước nhảy vọt như Việt Nam hiện nay đang tự tạo cơ hội khi phát triển cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Bốn là, yếu tố được cho là quan trọng nhất của tăng trưởng kinh tế là nguồn nhân lực.

Các yếu tố như khoa học – công nghệ có thể mua hoặc vay được. Nhưng các yếu tố này chỉ có thể được sử dụng hiệu quả nhất nếu như người lao động được được đào tạo, có kỹ năng, có trình độ văn hóa, tay nghề cao… của lực lượng lao động và khả năng quản lý tốt của nhà quản lý cùng với quy trình công nghệ hiện đại.

Khi Việt Nam gia nhập các cộng đồng và diễn đàn quốc tế như ASEAN (1995), APEC (1998) và trở thành thành viên chính thức của WTO (2007) đã đặt ra thời cơ mới cho nước ta thúc đẩy công cuộc đổi mới, buộc các ngành kinh tế phát triển nhanh và bền vững, nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Song, theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Tri, cơ cấu kinh tế ngày càng chuyển dịch chậm hơn so với dự kiến. Thậm chí Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (2009) còn đánh giá cơ cấu kinh tế Việt Nam giống cơ cấu kinh tế các nước ASEAN đầu thập kỷ 80.

“Chỉ có thông qua hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam mới có điều kiện để đáp ứng tốt hơn nhu cầu tập trung nguồn lực để đổi mới tổng thể”- ông Tri nhận định.

Để Việt Nam đi sâu hơn vào hội nhập

PGS.TS. Nguyễn Hữu Tri đưa ra 4 đề xuất để Việt Nam bắt kịp các thời cơ để phát triển kinh tế.

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế thị trường: Thị trường hàng hóa, dịch vụ; Thị trường Lao động; Thị trường Khoa học – Công nghệ; Thị trường Tài chính; Thị trường Bất động sản.

Xác định hội nhập quốc tế là phương án tốt nhất để Việt Nam phát triển kinh tế. Do vậy, càng hoàn thiện cơ chế thị trường, càng giúp Việt Nam có nhiều cơ hội để hội nhập quốc tế.

“Chúng ta đã phải nộp đơn xin gia nhập ASEAN suốt 9 năm và không được đồng ý khi mới chỉ có thị trường hàng hóa, không có thị trường bất động sản, thị trường lao động, thị trường KH-CN… “- ông Tri cho hay, thời cơ đã đến với Việt Nam sớm nhưng không được khai thác.

Thứ hai, chuyển dịch cơ cấu theo hướng hiện đại và tham gia một cách có hiệu quả hơn vào cộng đồng quốc tế.

Thứ ba, nâng cao chất lượng công tác dự báo phát triển. Đây là một căn cứ trọng yếu để đưa ra quyết định đổi mới mô hình tăng trưởng tái cơ cấu nền kinh tế bền vững.

Thứ tư, đổi mới cơ chế tổ chức, thu hút nhân tài, đưa họ vào các vị trí phù hợp để họ có điều kiện phát huy năng lực. Trong điều kiện nền kinh tế thị trường, cần cải cách công tác cán bộ theo hướng đặt nặng vai trò của người đứng đầu với cơ chế trách nhiệm cá nhân cao, cùng với đánh giá chất lượng xứng đáng theo quy luật giá trị, đồng thời cũng chịu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lý kỷ luật.