(Bộ KH&CN) – Thông tư số 10/2017/TT-BKHCN do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành vào tháng 6/2017 quy định về xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng, duy trì và phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ.
Xây dựng, quản lý, xử lý và cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ
TT-BKHCN, việc xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ bao gồm những nội dung sau: Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phần mềm cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ dùng chung và cơ sở dữ liệu thành phần, bảo đảm kết nối và chia sẻ dữ liệu thống nhất trên toàn bộ hệ thống; thu thập, xử lý và cập nhật thông tin vào các cơ sở dữ liệu thành phần của cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ; tổng hợp và tích hợp thông tin từ các cơ sở dữ liệu thành phần; quản lý quyền truy cập và quyền cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu; theo dõi, giám sát tình hình sử dụng cơ sở dữ liệu; bảo đảm an toàn, an ninh; đào tạo nhân lực và hỗ trợ vận hành khai thác cơ sở dữ liệu.
Tổ chức thực hiện chức năng đầu mối thông tin khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cập nhật thông tin của bộ, ngành, địa phương và chịu trách nhiệm về nội dung thông tin được cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ.
Các đơn vị được giao xây dựng, quản trị, vận hành cơ sở dữ liệu thành phần có trách nhiệm kiểm tra, xác thực nội dung thông tin do các tổ chức đầu mối thông tin khoa học và công nghệ, các tổ chức và cá nhân khác cung cấp trước khi cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ; thực hiện việc cập nhật thông tin do mình quản lý và chịu trách nhiệm về nội dung thông tin được cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ.
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ bao gồm: Mạng thông tin nghiên cứu và đào tạo quốc gia (mạng VinaREN) là nòng cốt của hạ tầng thông tin khoa học và công nghệ, kết nối các tổ chức thực hiện chức năng đầu mối thông tin khoa học và công nghệ và các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước với cộng đồng khoa học và công nghệ quốc tế; trung tâm dữ liệu, các phòng máy chủ bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật cho việc vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ; hệ thống số hóa và tạo dựng nội dung số; hệ thống máy chủ (dịch vụ, quản trị); hệ thống sao lưu và lưu trữ dữ liệu; hệ thống an toàn, an ninh và bảo mật thông tin; hệ thống trang thiết bị phục vụ việc truy nhập, khai thác và cập nhật thông tin; hệ thống cơ sở phần mềm hạ tầng.
Các biện pháp bảo đảm an toàn cho cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ bao gồm: Sử dụng kênh mã hóa và xác thực người dùng cho các hoạt động đăng nhập quản trị hệ thống, đăng nhập vào các ứng dụng, gửi – nhận dữ liệu tự động giữa các máy chủ, nhập và biên tập dữ liệu; mã hóa đường truyền cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ; áp dụng các biện pháp bảo đảm tính xác thực và bảo vệ sự toàn vẹn của dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ; thực hiện lưu vết việc tạo, thay đổi, xóa thông tin dữ liệu để phục vụ cho việc quản lý, giám sát hệ thống; thiết lập và duy trì hệ thống dự phòng nhằm bảo đảm hệ thống hoạt động liên tục; thực hiện các biện pháp cần thiết khác để bảo đảm an toàn cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ.
Trong quá trình xây dựng, xử lý, cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ, các tổ chức, cá nhân có liên quan sử dụng các bảng phân loại sau: Bảng phân loại thống kê khoa học và công nghệ được ban hành kèm theo Quyết định số 12/2008/QĐ-BKHCN ngày 4/9/2008 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; bảng phân loại nội dung “Khung đề mục của hệ thống thông tin khoa học và công nghệ quốc gia”; các bảng phân loại về sáng chế quốc tế (IPC), kiểu dáng công nghiệp (bảng phân loại Locamo), các yếu tố hình của nhãn hiệu trong đăng ký nhãn hiệu (bảng phân loại Vienne), hàng hóa/dịch vụ trong đăng ký nhãn hiệu (bảng phân loại Nice) và các bảng phân loại khác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; các bảng phân loại về tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy chuẩn địa phương và các lĩnh vực khác về tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng.
Khai thác. sử dụng, duy trì và phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ
Thông tư số 10/2017/TT-BKHCN cũng quy định, các tổ chức thực hiện chức năng đầu mối thông tin khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh được quyền khai thác toàn văn cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ theo phân cấp. Mọi tổ chức, cá nhân có quyền tiếp cận và sử dụng miễn phí trên cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ những thông tin sau: Danh mục tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ; thông tin thư mục về nhiệm vụ khoa học và công nghệ, tài liệu khoa học và công nghệ, thông tin sở hữu trí tuệ, thông tin tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng; số liệu thống kê tổng hợp về khoa học và công nghệ; thông tin tổng hợp về công nghệ, công nghệ cao và chuyển giao công nghệ tại Việt Nam; thông tin về khoa học và công nghệ trong khu vực và trên thế giới.
Các tổ chức tham gia thu thập, xử lý, cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ được truy cập và khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia theo phân quyền, được quyền trích xuất dữ liệu do mình trực tiếp đóng góp để tổ chức thành bộ dữ liệu riêng phục vụ yêu cầu của bộ, ngành và địa phương. Các cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ được cấp quyền truy cập cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ để phục vụ công tác quản lý nhà nước, hoạch định chính sách khoa học và công nghệ.
Các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội được quyền yêu cầu cung cấp thông tin về khoa học và công nghệ có liên quan để phục vụ công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
Cơ quan quản lý và các cơ quan, tổ chức tham gia xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ có trách nhiệm bố trí nhân lực, cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí thường xuyên cho việc duy trì và phát triển; phát triển hạ tầng thông tin, cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và kết nối quốc tế (đầu tư, hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật, trung tâm dữ liệu quốc gia tương thích với các chuẩn quốc tế; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản trị, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu; nghiên cứu phát triển các phần mềm cơ sở dữ liệu bảo đảm kết nối và chia sẻ dữ liệu thống nhất trên toàn quốc và tương thích với các chuẩn dữ liệu quốc tế); phát triển nội dung thông tin đáp ứng yêu cầu quản lý, nghiên cứu và đào tạo về khoa học và công nghệ (nghiên cứu phát triển cấu trúc và tiêu chí dữ liệu của cơ sở dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu thành phần; phát triển các cơ sở dữ liệu thành phần khác phù hợp với yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ); đào tạo đội ngũ nhân lực phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu thành phần.
Hoạt động vận hành, bảo trì, giám sát, nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ bao gồm các nội dung: Thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn vật lý và môi trường tại trung tâm dữ liệu điện tử; thực hiện các biện pháp sao lưu để bảo đảm khả năng khôi phục hệ thống khi xảy ra sự cố (dữ liệu sao lưu phải được bảo vệ an toàn, định kỳ kiểm tra và phục hồi thử hệ thống từ dữ liệu sao lưu để sẵn sàng sử dụng khi cần thiết; thực hiện các biện pháp bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa để bảo đảm cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ hoạt động liên tục 24 giờ trong ngày; thực hiện hoạt động giám sát để cảnh báo các hành vi gây mất an toàn cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ; thực hiện định kỳ rà soát, đề xuất phương án nâng cấp, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần mềm của cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học và công nghệ cho phù hợp với nhu cầu thực tế)