Hiện nay, ngành nông nghiệp Đà Nẵng đang tập trung đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học và kỹ thuật, trong đó ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất.
Từ năm 2010 đến nay, Sở KH&CN đã tổ chức thực hiện 10 nhiệm vụ ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp CNC. Bà Vũ Thị Bích Hậu – Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết, hiện nay Sở KH&CN đang tập trung hỗ trợ các nhiệm vụ KH&CN ứng dụng CNC trên địa bàn huyện Hòa Vang. Các nhiệm vụ KH&CN tập trung nghiên cứu, hoàn thiện quy trình công nghệ từ khâu nhân giống đến sản phẩm thương phẩm các đối tượng cây trồng và vật nuôi có giá trị kinh tế cao như một số cây dược liệu, hoa, nấm, rau, cây ăn quả và các mô hình chăn nuôi… Các mô hình đã từng bước giúp thành phố chủ động trong việc sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng tốt cho bà con nông dân.
Năm 2017, HĐND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết số 104/2017/NQ-HĐND ngày 7/7/2017 về chính sách khuyến khích đầu tư nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch trên địa bàn thành phố. Thành phố đã quy hoạch 7 vùng thu hút đầu tư nông nghiệp ứng dụng CNC với diện tích hơn 500 ha, đến nay đã thu hút 7 nhà đầu tư tiếp cận xúc tiến triển khai các dự án.
Điển hình, Đà Nẵng hiện đang triển khai một số mô hình sản xuất ứng dụng nhà màng, nhà lưới trồng rau hoa. Bước đầu cho thấy một cách làm mang tính công nghiệp trong nông nghiệp, mang lại hiệu quả:
+ Mô hình trồng rau ăn quả trên giá thể trong nhà màng là một mô hình ứng dụng CNC của Công ty TNHH Gia Khang Phát tại Phú Sơn Nam – Hòa Khương, với quy mô 100 m2. Mô hình có hệ thống thiết bị cho nhà màng khá hoàn chỉnh, hiện đang trồng dưa lưới, dưa vàng với quy mô 3.800 cây/ lứa (3 tháng), lợi nhuận từ 30-50 triệu đồng/lứa.
+ Mô hình sản xuất rau trong nhà màng tại 2 xã Hòa Ninh và Hòa Phú được đầu tư với quy mô 2 ha. Các mô hình canh tác đều được cơ giới hóa, tự động hóa theo công nghệ nhà màng, có thể điều chỉnh được các thông số phù hợp cho cây trồng về nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió… Hiện nay, các loại rau quả đang được sản xuất rất phong phú: Xà lách, cải xanh, ớt chuông, dưa kim cô nương, dưa lưới… Điển hình như hộ ông Nguyễn Mạnh Thắng ở xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang. Với nguồn vốn đầu tư khoảng 2 tỷ đồng (trong đó được thành phố hỗ trợ khoảng 50%), ông đã mạnh dạn lắp đặt hệ thống nhà màng, thiết bị phun sương để trồng rau sạch theo mô hình CNC, các loại rau như: cải cay, cải ngọt, rau muống, xà lách, khổ qua, dưa leo,… Bình quân mỗi ngày có khoảng 200 kg rau, củ, quả các loại được thu hái từ vườn rau của ông để cung ứng ra thị trường trên địa bàn thành phố.
+ Mô hình sản xuất hoa treo, hoa thảm trang trí cảnh quan của anh Nguyễn Ngọc Chương tại thôn Đông Sơn, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang với diện tích đang sản xuất khoảng 800 m2 các đối tượng hoa mới, hoa cao cấp như dạ yến thảo, cúc sao băng, thu hải đường, đồng tiền mini, dừa cạn, hoa cẩm chướng… Hàng năm cung ứng ra thị trường khoảng 24.000 chậu hoa các loại, doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm, lợi nhuận ước đạt trên 50%.
Trong thời gian đến, thành phố định hướng tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, thu hút và xúc tiến đầu tư nông nghiệp CNC, rà soát và quy hoạch quỹ đất, đẩy mạnh ứng dụng CNC gắn với thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Đối với ngành KH&CN, Sở KH&CN cho biết, sẽ tiếp tục ưu tiên đẩy mạnh thực hiện các chương trình, nhiệm vụ KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp CNC với sự tham gia của doanh nghiệp nhằm tạo ra các chuỗi giá trị sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế địa phương.