Đơn giản hóa thủ tục phê duyệt dự án, tăng cường theo dõi xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ, hỗ trợ kiểm soát các thủ tục hành chính quy hoạch và xây dựng: Chính phủ đang nỗ lực đẩy nhanh phát triển các trang trại điện gió ngoài khơi tại Đài Loan. Việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo là chìa khóa để đạt được mục tiêu năng lượng của vùng lãnh thổ này vào năm 2025.
Trong tháng 4 và tháng 6 vừa qua, Bộ Kinh tế Đài Loan đã lựa chọn bằng cách đấu thầu tổng cộng chín công ty Đài Loan và nước ngoài để thực hiện 14 dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất 5,5 GW. Nằm ngoài khơi bờ biển phía tây Đài Loan, chủ yếu ở huyện Changhua, các dự án này sẽ đi vào hoạt động trong vòng 7 năm tới.
Các yêu cầu giấy phép xây dựng cho các trang trại điện gió ngoài khơi liên quan đến một số bộ và chính quyền địa phương, do vậy cần có sự phối hợp để đơn giản hóa các thủ tục. Về cơ sở hạ tầng hỗ trợ, Bộ Kinh tế hợp tác chặt chẽ với các công ty liên quan để đảm bảo việc thành lập nhanh các bến để lắp đặt tuabin, các cảng cần thiết để vận hành và bảo trì tuabin gió và mạng lưới truyền tải và phân phối điện.
Bộ Kinh tế đã công bố tên của 7 công ty thắng thầu trong cuộc gọi thầu đầu tiên về đấu thầu 10 dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất 3,8 GW. Trong số đó có Công ty Điện lực Đài Loan (Taipower), công ty WPD của Đức, và các công ty Đan Mạch Orsted và Copenhagen Infrastructure Partners (CIP). Một cuộc gọi thầu thứ hai cũng đã có kết quả được công bố vào cuối tháng 6/2018, với tổng công suất 1,66 GW do 2 công ty đảm nhiệm xây dựng là công ty Northland Power của Canada kết hợp với công ty Singapo Yushan, và công ty Đan Mạch Orsted.
Về lâu dài, 14 trang trại điện gió ngoài khơi này dự kiến sẽ tạo ra 19,8 tỷ kilowatt giờ mỗi năm, tạo ra 20.000 việc làm và giảm lượng khí thải carbon ở Đài Loan gần 10, 5 triệu tấn/năm.
Trong năm 2017, 46,8% sản lượng điện phát ra ở Đài Loan đến từ các nhà máy điện đốt than, 34,7% từ khí tự nhiên, 8,3% từ các nhà máy điện hạt nhân và 4,5% từ các nguồn tái tạo. Đến năm 2025, chính quyền Đài Loan muốn tăng tỷ trọng khí tự nhiên cũng như các nguồn tái tạo để đạt được tương ứng 50% và 20% tổng sản lượng, đồng thời giảm tỷ trọng điện than xuống còn 30%.
NASATI, theo https://www.taiwannews.com.tw/en/index,