Dân số thế giới được dự báo sẽ tăng trong thế kỷ 21, mặc dù với tốc độ chậm hơn so với trước đây, đạt 8,5 tỷ vào năm 2030 và 9,7 tỷ vào năm 2050. Sự gia tăng sẽ diễn ra gần như toàn bộ ở các nước kém phát triển và châu Phi sẽ chiếm hơn một nửa mức tăng dự đoán. Quy mô dân số ở nhiều nước phát triển sẽ giữ ở mức ổn định và nhiều nước thậm chí còn trải qua sự suy giảm dân số. Ví dụ, Nhật Bản và nhiều nước Trung Âu và Đông Âu, dân số được dự đoán sẽ giảm hơn 15% vào năm 2050.
Tăng trưởng dân số toàn cầu sẽ đặt ra những áp lực lớn chưa từng thấy đối với tài nguyên thiên nhiên, ví dụ như lương thực, năng lượng, nước… và khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (STI) vẫn tiếp tục được coi là có vai trò thiết yếu trong việc đẩy mạnh sản xuất và bảo tồn các loại tài nguyên này. Nhìn chung, dân số toàn cầu lớn hơn và kinh tế liên tục phát triển có thể dẫn đến nhiều hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo hơn. Đồng thời, các chương trình nghị sự về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo có thể bị tác động đáng kể bởi nhiều thách thức phát triển mà các nước có mức tăng trưởng dân số lớn đang phải đối mặt. Các thỏa thuận và hợp tác quốc tế mới về STI – như các Hiệp định Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc và Hiệp định Paris COP21 – sẽ thúc đẩy chuyển giao công nghệ cho các nước này để tăng cường các kênh phổ biến công nghệ hiện hữu thông qua thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và mua sắm tư liệu sản xuất. Các nước đang phát triển sẽ cần phải mở rộng và đào sâu hơn năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo của mình nếu muốn hấp thụ và áp dụng các công nghệ cho nhu cầu riêng của mình.
Xã hội già hóa
Sự kết hợp giữa tỷ lệ sinh thấp và tuổi thọ tăng sẽ dẫn đến sự già hóa trong tương lai ở tất cả các khu vực chính trên thế giới. Với tốc độ như hiện nay, vào năm 2050 ở phạm vi toàn cầu, tỷ lệ số người trên 60 tuổi và số trẻ em sẽ gần như ngang nhau. Đây sẽ là một thay đổi lớn so với trước đây và hiện tại: hiện tại trên thế giới có khoảng 900 triệu người trên 60 tuổi, con số này được dự đoán sẽ tăng lên 1,4 tỷ vào năm 2030 và 2,1 tỷ vào năm 2050. Châu Âu theo dự báo sẽ có tỷ lệ số người trên 60 tuổi lớn nhất (34% vào năm 2050 so với 24% vào năm 2015). Nhưng già hóa nhanh cũng sẽ xảy ra ở các khu vực khác trên thế giới, đặc biệt ở châu Á. Gần 80% số người lớn tuổi trên thế giới sẽ sống ở những vùng kém phát triển hiện nay. Trung Quốc sẽ có khoảng 330 triệu dân có độ tuổi từ 65 trở lên, Ấn Độ có khoảng 230 triệu người, Brazil và Indonesia có trên 50 triệu người vào năm 2050. Trên toàn cầu, số người trên 80 tuổi được dự báo sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2050 (từ 125 triệu năm 2015 lên 434 triệu năm 2050 và 944 triệu năm 2100). Nhóm có độ tuổi trên 80 chỉ chiếm 1% dân số OECD vào năm 1950, nhưng tỷ trọng này đã tăng lên 4% vào năm 2010 và theo dự báo sẽ lên đến 10% vào năm 2050.
Sự già hóa dẫn đến những thay đổi về lối sống và mẫu hình tiêu dùng, điều này tác động mạnh đến chủng loại sản phẩm và dịch vụ được yêu cầu. Các thị trường mới sẽ nổi lên như một phần của “nền kinh tế bạc” (silver economy), trong khi đó sẽ có nhiều nền kinh tế truyền thống hơn có thể phải thích ứng hoặc thậm chí sẽ biến mất, tất cả những điều này đều liên quan đến đổi mới sáng tạo. Đồng thời, các xã hội già hóa có thể gặp phải sự tăng trưởng kinh tế chậm lại. Tỷ số phụ thuộc của người cao tuổi, cùng với các bệnh không lây nhiễm trở nên phổ biến hơn và tình trạng ốm yếu gia tăng ở người cao tuổi sẽ đặt gánh nặng lên y tế và các dịch vụ khác. Áp lực tài chính phát sinh có thể thu hút chi tiêu công vốn dùng để đầu tư cho các khu vực khác, trong đó có cả STI. Các bệnh liên quan đến người cao tuổi, trong đó có bệnh ung thư và mất trí, cũng có thể ngày càng nổi trội trong các chương trình nghiên cứu y học. Khi thế giới trở nên già hơn, kể cả nhiều nền kinh tế đang nổi, hợp tác nghiên cứu quốc tế về các căn bệnh liên quan đến tuổi cao có thể tăng lên.
Di cư quốc tế
Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động nhỏ hơn sẽ ảnh hưởng đến thị trường lao động có kỹ năng STI ở nhiều nước OECD. Quy mô dân số trong độ tuổi lao động (15-64) hiện đang ở đỉnh cao trong lịch sử và sẽ sớm giảm xuống. Điều này có nghĩa là tỷ lệ giữa số người phụ thuộc (hiện tại được định nghĩa là dưới 15 tuổi và trên 64 tuổi) so với dân số ở độ tuổi lao động có thể hỗ trợ về mặt xã hội và kinh tế sẽ tăng lên. Mặc dù khả năng người cao tuổi vẫn hoạt động và tiếp tục làm việc sau độ tuổi nghỉ hưu chính thức sẽ tăng lên, nhưng điều này vẫn không đủ để đáp ứng sự thiếu hụt nhân công. Tuy nhiên, việc ước tính thiếu hụt lực lượng lao động trong tương lai cũng cần xét đến sự thay đổi công nghệ như một yếu tố quyết định quan trọng, đặc biệt là tác động của các lĩnh vực robot và trí tuệ nhân tạo. Mặc dù vẫn còn nhiều tranh cãi, những công nghệ này có thể làm giảm nhu cầu lao động và giúp cân bằng sự không tương hợp về kỹ năng trong tương lai. Các công nghệ như vậy cùng với những công nghệ khác (như công nghệ thần kinh – neurotechnology) cũng có thể tăng cường khả năng nhận thức và thể chất, cho phép con người kéo dài được thời gian làm việc lâu hơn trong đời sống.
Di cư quốc tế có thể giúp giảm thiểu tình trạng thiếu lao động và thiếu kỹ năng ở các quốc gia tiếp nhận. Kịch bản dự báo tăng trưởng dài hạn ở OECD giả định rằng, các dòng người lao động di cư chảy vào sẽ là một nhân tố quan trọng để giảm nhẹ sự già hóa ở hầu hết các nước OECD. Tất cả các dấu hiệu đó đều cho thấy sự gia tăng hơn nữa các yếu tố thúc đẩy và thu hút các dòng di cư trong những thập kỷ tới. Lợi thế dân số trẻ ở một số nước đang phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho di cư ra nước ngoài: việc thiếu các cơ hội việc làm và nguy cơ xung đột nội bộ gia tăng sẽ buộc nhiều người tìm kiếm cuộc sống và sự an toàn tốt hơn ở những nơi khác. Biến đổi khí hậu cũng có thể tác động nhiều hơn đến các dòng di cư quốc tế trong tương lai.
Người di cư mang theo trình độ và kỹ năng cùng với họ. Trong năm 2011, tại các nước OECD có 31 triệu người di cư có trình độ học vấn cao và số người di cư có kỹ năng cao đã tăng 72% trong thập kỷ trước. Ở châu Âu, trong thập kỷ qua, số người nhập cư mới chiếm 15% số người tham gia vào các ngành nghề đang phát triển mạnh như khoa học, công nghệ và kỹ thuật cũng như y tế và giáo dục. Tại Hoa Kỳ, con số tương đương là 22%. Tuy nhiên, kỹ năng của người nhập cư không được tận dụng triệt để ở các thị trường lao động của các nước đến và có gần 8 triệu người di cư có trình độ đại học ở các nước OECD đang làm các công việc kỹ năng thấp và vừa. Đây cũng là một tổn thất đối với các quốc gia đang phải đối mặt với nạn “chảy chất xám” đặc biệt là các nước đang phát triển, làm giảm khả năng phát triển năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo cần thiết để giải quyết những thách thức phát triển trong nước. Một mối quan tâm nữa là quy mô và tầm quan trọng của các cộng đồng dân tộc thiểu số ở các nước đến, một số có thể hội nhập kém và bị thiệt thòi về mặt kinh tế, có thể gây nên những căng thẳng và bất ổn.
NASATI (Theo OECD Science, Technology and Innovation Outlook)