(www.most.gov.vn) Để triển khai có hiệu quả Quyết định số 380/QĐ-TTg ngày 24/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển Vật lý đến năm 2020, từ ngày 22 – 24/8/2018 Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Đoàn công tác làm việc với các bộ ngành liên quan nhằm đánh giá, sơ kết thực hiện 03 năm của Chương trình phát triển Vật lý đến năm 2020 (Chương trình 380).
Đoàn công tác do ông Lê Quang Thành, Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên làm Trưởng đoàn và các thành viên Tổ Công tác Chương trình 380. Đoàn công tác đã làm việc với các bộ, ngành được phân công các nhiệm vụ trong Chương trình: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Quỹ NAFOSTED, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tại Quyết định số 380/QĐ-TTg ngày 24/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã được giao chủ trì thực hiện Chương trình, và một trong những nhiệm vụ được giao là “Tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện; tổ chức sơ kết, tổng kết và rút kinh nghiệm đề kịp thời điều chỉnh phù hợp với yêu cầu thực tiễn và xu thế phát triển vật lý quốc tế”.
Đại học Quốc gia Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã khuyến khích giảng viên vật lý ở các trường đại học đẩy mạnh công tác nghiên cứu. Xây dựng và triển khai chương trình nghiên cứu vật lý cho các giảng viên trẻ trong các trường đại học. Tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên khối chuyên vật lý ở phổ thông. Triển khai việc đào tạo sinh viên, thạc sỹ, tiến sỹ ngành vật lý trong một số Chương trình đào tạo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cấp học bổng cho học sinh, sinh viên giỏi vật lý và trao giải thưởng cho các học sinh đạt giải quốc gia và quốc tế. Đầu tư xây dựng nâng cấp một số phòng thí nghiệm vật lý ở các trường đại học và viện nghiên cứu có đào tạo sau đại học ngành vật lý. Xây dựng và xuất bản các giáo trình đào tạo học sinh chuyên vật lý, xây dựng chương trình, giáo trình giảng dạy vật lý đạt trình độ tiên tiến trên thế giới cho các trường đại học.
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển ngành vật lý, phát huy và khai thác hiệu quả vai trò thành viên của Việt Nam tại Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Dubna; mở rộng tham gia nghiên cứu tại các trung tâm nghiên cứu vật lý quốc tế, các dự án nghiên cứu quốc tế song phương và đa phương; thành lập Trung tâm vật lý quốc tế được UNESCO công nhận và bảo trợ. Tổ chức các hội nghị, hội thảo lớn về vật lý trong nước và quốc tế, các khoá học vật lý quốc tế ngắn hạn, trong đó có kinh phí hỗ trợ các nhà vật lý trẻ có năng lực từ các nước xung quanh, nhằm tạo ra sức hút trong khu vực. Củng cố và phát triển tạp chí chuyên ngành vật lý của Việt Nam đạt trình độ quốc tế. Tăng cường công tác thông tin, xuất bản và truyền thông ngành vật lý.
Sau hơn 03 năm triển khai thực hiện Chương trình, Bộ Khoa học và Công nghệ đóng vai trò là đầu mối tổ chức và thực hiện Chương trình đã chủ động triển khai các hoạt động có hiệu quả.
Các cơ quan phối hợp đã bám sát các nội dung của Chương trình, kịp thời thực hiện được một số hoạt động thường niên và đưa các nội dung cần thiết vào kế hoạch khoa học và công nghệ hàng năm. Các đơn vị có sự phối hợp chặt chẽ cùng tiến hành thực hiện các nhiệm vụ được giao. Một số nội dung của Chương trình đã đạt được kết quả khả quan, đáp ứng được mục tiêu của Chương trình như: triển khai hoạt động của Trung tâm Quốc tế Vật lý và Toán học dạng II dưới sự bảo trợ của UNESCO; củng cố và phát triển tạp chí chuyên ngành vật lý của Việt Nam đạt trình độ quốc tế; công bố trên các tạp chí thuộc danh mục ISI/SCOPUS thuộc lĩnh vực vật lý tăng; đóng góp cho đào tạo nguồn nhân lực về Vật lý thông qua công bố quốc tế, hỗ trợ đào tạo tiến sỹ, đào tạo thạc sỹ, cử cán bộ đi đào tạo, tập huấn bồi dưỡng, thành tích của các đoàn thi quốc tế về vật lý; đề tài cấp quốc gia có sản phẩm cụ thể dùng được lâu dài; bước đầu đã có đầu tư năng lực cho các phòng thí nghiệm; có nhiều nhà khoa học nước ngoài là thành viên ban biên tập của các tạp chí; tổ chức hội nghị hội thảo cung cấp thông tin, trao đổi khoa học trong cộng đồng các nhà nghiên cứu vật lý trong và ngoài nước,…
Ngoài những hoạt động thu được các kết quả đáng khích lệ, bên cạnh đó hoạt động của Chương trình cũng còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như kinh phí ngân sách hạn hẹp; một số nội dung của Chương trình 380 triển khai chậm như nội dung tăng cường đầu tư cho các phòng thí nghiệm vật lý, một số chỉ tiêu cần rà soát về mức độ đạt được tính đến năm 2020.
Trong thời gian tới, các bộ, ngành xây dựng nội dung công việc của mình theo phân công và đưa vào kế hoạch 2019, đặc biệt chú trọng các nội dung: Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam hoàn thiện thủ tục ra mắt Trung tâm dạng 2 về Vật lý được UNESCO công nhận và bảo trợ; Bộ Giáo dục và Đào tạo, 02 Đại học Quốc gia tập trung hỗ trợ các tiến sỹ vật lý trẻ nghiên cứu khoa học và đầu tư các phòng thí nghiệm vật lý trong các trường đại học.
Nguồn: Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên