Hạn hán là hiện tượng thiên tai liên quan đến thời tiết, xảy ra ở hầu hết các vùng khí hậu khác nhau trên cơ sở tích hợp các tính chất vật lý, sinh thái và kinh tế xã hội mang tính đặc thù của lãnh thổ. So với các loại hình thiên tai khác, hạn hán phát sinh chậm, diễn ra từ từ song kéo dài, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế và các hoạt động của con người. Trong đó, đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là dân cư nông thôn – những người lấy sản xuất nông nghiệp là hoạt động sinh kế chính do chất lượng tư liệu sản xuất hình thành sinh kế của người dân bị giảm sút kết hợp với tiềm lực hạn chế, không đủ để lựa chọn các phương thức sinh kế mới, chính quyền địa phương cũng chưa thực thi hiệu quả các chiến lược chuyển đổi sinh kế, tạo thu nhập ổn định.

Gắn kết sinh kế với hạn hán, có thể thấy rằng hạn hán là một yếu tố chủ chốt liên quan đến khả năng bị tổn thương của sinh kế, cùng với diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu, sinh kế được xác định là bền vững không chỉ dựa vào tính bền vững của kinh tế, xã hội, môi trường và thể chế mà còn dựa vào việc nó có thể thích ứng với hạn hán hay không? Vì vậy, để nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo sinh kế bền vững của người dân nhằm đạt được các mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, cần phải có những nghiên cứu mang tính tổng hợp, hệ thống lãnh thổ, xác định khả năng chống chịu trước các tác động của hạn hán trên cơ sở phân tích các nguồn lực và loại hình sinh kế của người dân, từ đó đề xuất các giải pháp thích ứng phù hợp với khả năng của lãnh thổ. Nhất là đối với Ninh Thuận – một tỉnh nghèo chịu nhiều ảnh hưởng của hạn hán.

Để góp phần làm rõ vấn đề nêu trên, đề tài “Đánh giá ảnh hưởng của hạn hán đến sinh kế dân cư nông thôn tỉnh Ninh Thuận” do Cơ quan chủ trì Viện Địa lý Nhân văn cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Trần Thị Tuyết thực hiện với mục tiêu: Nghiên cứu làm sáng tỏ ảnh hưởng của hạn hán tới sinh kế dân cư nông thôn tỉnh Ninh Thuận; từ đó, đề xuất các giải pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực đến hoạt động sinh kế dân cư nông thôn tỉnh Ninh Thuận. Kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở khoa học để các nhà quản lý có những kế hoạch phát triển hợp lý, tiến đến quản lý hiệu quả hạn hán gắn với phát triển sinh kế nông thôn bền vững.

Đề tài dựa trên quan điểm khoa học địa lí trên cơ sở tiếp cận hệ thống và tổng hợp thể lãnh thổ nghiên cứu theo hai hướng chính: Hướng tiếp cận nhằm vào hạn hán: giảm mức độ nghiêm trọng của hạn hán, giảm tác nhân gây hạn hán, giảm thiểu thiệt hại; Hướng tiếp cận nhằm vào cộng đồng dân cư nông thôn: tăng sức chống chịu, giúp cộng đồng thích ứng với hạn hán, chủ động phòng tránh hạn hán. Tiếp cận nghiên cứu liên ngành, nhìn nhận vấn đề theo nhiều hướng khác nhau, qua đó có thể tiếp cận đối tượng nghiên cứu một cách thấu đáo, xây dựng những cách can thiệp có hiệu quả phù hợp với lãnh thổ. Tiếp cận sinh kế bền vững, phân tích theo các nguồn lực thích ứng.

Từ kết quả nghiên cứu lý luận và thực tiễn, cho thấy: Hạn hán có tác động rất lớn đến các nguồn vốn sinh kế của dân cư nông thôn, đối tượng dễ bị tổn thương bởi các tác động hạn hán bởi phương tiện sinh kế chủ yếu phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Chính vì vậy, vấn đề liên quan được quan tâm từ rất sớm trên thế giới và Việt Nam. Tuy nhiên, đây vẫn là một vấn đề còn nhiều thách thức, cần thiết phải có những nghiên cứu tổng hợp để đề xuất các giải pháp thích ứng hiệu quả, phù hợp với từng bối cảnh khác nhau, nhất là các địa phương có nguồn lực hạn chế như Ninh Thuận.

Kết quả khảo sát thực tế tại Ninh Thuận, cho thấy: Mặc dù, tỉnh đã có nhiều nỗ lực tìm kiếm các giải pháp nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực của hạn hán nhưng do nguồn lực còn hạn chế, nhiều giải pháp chưa khả thi, còn mang tính dàn trải, chưa tạo được tính đột phá. Do đó, chưa đủ để kích thích chuyển đổi nhận thức của người dân về tái cơ cấu sản xuất, chuyển đổi sinh kế mà vẫn mang nặng ý thức trông chờ hỗ trợ của Nhà nước khi gặp thiên tai.

Để giảm thiểu các tác động tiêu cực đến hoạt động sinh kế dân cư nông thôn tỉnh Ninh Thuận. Cần coi trọng và phát huy sức mạnh toàn dân, có biện pháp tổ chức hợp lý, chính sách linh hoạt, phù hợp với bối cảnh địa phương và nguồn lực người dân, nhất là thay đổi nhận thức xem hạn hán là một nhân tố bình thường của khí hậu, được giải quyết trong khuôn khổ giảm thiểu và quản lý nguy cơ, có như vậy mới cải thiện các nguồn lực, nâng cao năng lực ứng phó của chính quyền và người dân.

Cần có nhận thức và thực thi các giải pháp một cách đồng bộ với cơ chế vận hành hợp lý. Mặt khác, cần nhân rộng các điển hình và nhân tố mới trong công tác ứng phó với hạn hán hiệu quả của các địa phương, đặc biệt là các mô hình chuyển đổi cơ cấu sản xuất, liên doanh, liên kết nhằm xây dựng các vùng sản xuất chuyên môn hóa hình thành các vùng nguyên liệu qui mô lớn đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành công nghiệp chế biến nông nghiệp; đẩy mạnh thực hiện các mô hình sinh kế tiết kiệm nước, các hình thức tích trữ nước cho sản xuất nhằm giải quyết an ninh lương thực trước mắt và đảm bảo các mục tiêu lâu dài trong phát triển nông nghiệp bền vững. Đẩy mạnh các nghiên cứu khoa học công nghệ, đây được xem là khâu then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, phát huy tối đa những lợi ích của sinh kế theo hướng thị trường. Đẩy mạnh áp dụng các công cụ cảnh báo, công cụ bảo hiểm để quản lý rủi ro trong thiệt hại. Tăng cường thực hiện các biện pháp tuyên truyền phù hợp, trong đó ưu tiên các hình thức trực quan trong nhân rộng các mô hình nhằm đảm bảo tính liên kết, tính lan tỏa trong chuỗi giá trị hàng hóa.

An toàn lương thực và thu nhập của người dân; khai thác, sử dụng hợp lý với từng lãnh thổ khác nhau trên cơ sở bảo vệ tài nguyên, phù hợp với năng lực của chính quyền và người dân được xem là những nhân tố quan trọng nhằm thực thi hiệu quả các chính sách giảm thiểu tác động của hạn hán đến sinh kế dân cư nông thôn trước mắt cũng như lâu dài phục vụ một cách tích cực nhất cho công cuộc phát triển.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 15858/2019) tại Cục Thông tin KHCNQG.

Đ.T.V (NASATI)