Cá tra là loài nuôi phổ biến ở Đồng bằng Sông Cửu Long với mô hình nuôi chính là ao gần sông, ao nội đồng và đăng quầng. Sản lượng nuôi cá tra ước tính đạt khoảng 300.000 tấn năm 2004, đạt 400.000 tấn năm 2005, đạt 1,2 triệu tấn năm 2007 và duy trì gần tương đương sản lượng này trong các năm tiếp theo. Sản phẩm xuất khẩu chính là phi lê chiếm 90% sản lượng chế biến. Môi trường ô nhiễm và dịch bệnh đã làm tỷ lệ sống trung bình của cá nuôi giảm từ 90% xuống còn 75% trong vòng 5 năm qua. Các loại bệnh phổ biến và nguy hiểm trên cá tra ở ĐBSCL năm 2007 là gan thận mủ, trắng mang trắng da, xuất huyết, phù đầu và phù mắt và vàng da.

Trong một vụ nuôi, bệnh có thể xuất hiện từ 3-4 lần, đặc biệt là ở giai đoạn cá giống gây thiệt hại rất lớn, tỷ lệ hao hụt cao lên đến 70-80% nếu không được chữa trị kịp thời. Người nuôi sử dụng nhiều loại hóa chất, chế phẩm sinh học và kháng sinh khác nhau để cải thiện môi trường và phòng trị bệnh nhưng hiệu quả điều trị còn thấp ở nhiều hộ nuôi. Vaccine phòng bệnh gan thận mủ cho cá tra đang trong giai đoạn thử nghiệm. Trong một vài năm tới, khả năng sản xuất ra được vaccine phòng bệnh gan thận mủ và các bệnh nguy hiểm khác cho cá là khả thi.

Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2 đã thực hiện chương trình chọn giống cá tra thông qua tính trạng tốc độ tăng trưởng bằng phương pháp chọn lọc cá thể (quần đàn 2001 và 2002) và thêm tỷ lệ phi lê bằng phương pháp chọn lọc kết hợp gia đình và cá thể (quần đàn 2003) dưới sự hỗ trợ kinh phí của SUFA (2001-2005). Chương trình chọn giống được tiếp tục bằng đề tài cấp Bộ ‘chọn giống cá tra nhằm tăng tỷ lệ phi lê bằng chọn lọc gia đình, 2006-2008’ trên quần đàn G1-2001, G1-2002 và G1-2003. Kết quả cho thấy hệ số di truyền của tính trạng tỷ lệ phi lê thấp (0,04-0,12) và của trọng lượng cơ thể cao (0,43-0,54). Tương quan di truyền thuận thấp giữa tỷ lệ phi lê và trọng lượng cơ thể (0,35). Hệ số di truyền thực tế cho tính trạng tăng trưởng ở mức trung bình và cao, 0,25-0,38 và hiệu quả chọn lọc ở mức trung bình so với các đối tượng khác. Dự án chuyển giao cá hậu bị giai đoạn 2010-2012 từ đàn cá bố mẹ đã qua chọn lọc nâng cao tốc độ tăng trưởng đã phát tán được 101.000 cá hậu bị cho 63 trại giống thuộc 9 tỉnh ở Đồng bằng Sông Cửu Long.

Mặc dù đã đạt được một số kết quả khả quan nhưng chương trình chọn giống mới cần đánh giá được hiệu quả chọn lọc thực tế ở thế hệ thứ 1 để con giống đã qua chọn lọc thực sự thuyết phục người sử dụng. Đàn cá cũng cần được chọn lọc thêm một số thế hệ nữa và hiệu quả chọn lọc thực tế những thế hệ tiếp theo cũng cần được đánh giá tiếp tục nhằm nâng cao và dần tiến đến độ ổn định cao.

Nhằm đánh giá được hiệu quả chọn lọc theo tính trạng tăng trưởng thế hệ chọn giống thứ 2 và cộng gộp 02 thế hệ; tiến hành kết hợp đánh giá được hiệu quả chọn lọc theo tính trạng tỷ lệ phi lê để thực hiện chọn lọc qua 01 thế hệ; phát tán 10.000 cá hậu bị đã qua chọn lọc thế hệ thứ 2 và thăm dò ước tính các thông số di truyền tính trạng kháng bệnh gan thận mủ, nhóm nghiên cứu do TS. Nguyễn Văn Sáng, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2 đứng đầu đã kiến nghị và được chấp thuận thực hiện đề tài: “Đánh giá hiệu quả chọn giống cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) về tăng trưởng, tỷ lệ phi lê” thực hiện trong 03 năm 2010-2012. Đề tài này còn bao gồm thăm dò ước tính các thông số di truyền tính trạng kháng bệnh gan thận mủ.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, nhóm nghiên cứu đã thu được các kết quả như sau: 
– Hiệu quả chọn lọc thực tế tính trạng tăng trưởng ở mức trung bình 7,9% và 8,9% tương ứng cho quần đàn G2-2002 và G3-2001 và ở mức cao (18,2%) cho quần đàn G2-2003. Hệ số di truyền thực tế tính trạng tăng trưởng ở mức trung bình 0,24- 0,28 tùy theo quần đàn. Kết quả này cho thấy chọn lọc tiếp tục quần đàn chọn giống hiện tại thì hiệu quả mang lại còn khả quan.

– Hiệu quả chọn lọc thực tế tính trạng tỷ lệ phi lê cho quần đàn G2-2003 và G3- 2001 ở mức trung bình 0,51-1,20% so với nhóm đối chứng tương ứng với hệ số di truyền thực tế ở mức trung bình.

– Lựa chọn ban đầu 8 microsatelliet loci tương đối thích hợp cho phân tích đánh giá đa dạng di truyền cá tra. Quần đàn G1-2001 có ít khác biệt với quần đàn G1-2002. Cần thận trọng với phương pháp bắt cặp gia đình trong nội bộ từng quần đàn đặc biệt G2-2002 do có chỉ số cận huyết tương đối cao.

– Phương pháp gây bệnh thực nghiệm cohabitant cải tiến giữ nhiệt độ thấp, tăng mật độ cá và có bổ sung vi khuẩn và bể thí nghiệm đã thõa mãn thí nghiệm chọn giống kháng bệnh về tỷ lệ chết cao (88,2 – 92,0%).

– Hệ số di truyền (h2) của tính trạng kháng bệnh gan thận mủ thấp (0,01 – 0,12) tùy theo mô hình tính toán, ngoại trừ hệ số di truyền trung bình và cao cho quần đàn G3-2001 bằng mô hình TBM (0,25 – 0,32). Giá trị chọn giống EBV ở cả ba quần đàn có mức độ biến thiên lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho chọn lọc cá thể có giá trị này lớn làm bố mẹ cho chọn lọc tiếp theo. Mô hình toán TBM cho hệ số di truyền ước tính cao hơn các mô hình còn lại, được sử dụng phổ biến và dễ biện luận nên là mô hình được lựa chọn.

– Kết quả ban đầu về tương quan di truyền giữa tính trạng kháng bệnh gan thận mủ và tăng trưởng gần như bằng 0 (zero), cho thấy chọn lọc theo một tính trạng có thể sẽ không làm suy giảm đặc tính tốt của tính trạng còn lại.

Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất cần tiếp tục tính toán hiệu quả chọn lọc thực tế thông qua ước tính giá trị chọn giống EBV. Cần thử nghiệm thêm nhiều microsatellite đa hình để tìm được các alen đặc trưng cho tính trạng quan tâm và khả năng liên kết của những alen này và tính trạng khảo sát. Tiếp tục nghiên cứu các điều kiện tối ưu cho thí nghiệm gân bệnh thực nghiệm đạt kết quả cho ước tính chính xác các thông số di truyền và xử lý số liệu bằng cách chia tỷ lệ sống ở các mức độ khác nhau và thử nghiệm lựa chọn mô hình tối ưu để ước tính các thông số di truyền.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 13260/2016) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

P.T.T (NASATI)