Nguyễn Đức Thắng – Văn phòng Sở
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI – Provincial Competitiveness Index là chỉ số gồm 10 chỉ số thành phần, phản ánh các lĩnh vực điều hành kinh tế có tác động đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi có: 1) Chi phí gia nhập thị trường thấp; 2) Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; 3) Môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; 4) Chi phí không chính thức thấp; 5) Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; 6) Môi trường cạnh tranh bình đẳng; 7) Chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; 8) Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao; 9) Chính sách đào tạo lao động tốt; và 10) Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả.
Năm 2016, tỉnh Ninh Thuận đạt 57,19 điểm xếp hạng 49/63 giảm 0,26 điểm và giảm thứ hạng 07 bậc so với năm 2015, nằm trong nhóm các tỉnh có kết quả điều hành kinh tế Khá. Nhằm tăng cường xây dựng, tạo lập môi trường kinh doanh của tỉnh thực sự thông thoáng, minh bạch và thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trong năm 2017 và những năm tiếp theo, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh Ninh Thuận năm 2017, cụ thể như sau:
Với mục đích: Tăng cường xây dựng, tạo lập môi trường kinh doanh và đầu tư của tỉnh thực sự thông thoáng, minh bạch và thuận lợi nhằm thu hút sự tham gia đầu tư, sản xuất kinh doanh của mọi thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, điều chỉnh, thay đổi, ban hành mới những cơ chế, chính sách cần thiết và phù hợp, thống nhất và đồng bộ thực thi hành động trong bộ máy chính quyền của tỉnh nhằm cải thiện chất lượng điều hành kinh tế, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh trong năm 2017 và các năm tiếp theo; Cải thiện môi trường kinh doanh trên cơ sở quyết tâm cải thiện những chỉ số thành phần còn thấp và giảm điểm; đồng thời, tiếp tục phát huy những chỉ số thành phần có điểm số tăng điểm, đảm bảo sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững của tỉnh trong thời gian tới; phấn đấu đưa Ninh Thuận vào nhóm tỉnh có điều hành Tốt trong khu vực Đông Nam Bộ nói riêng và vào nhóm tỉnh có điều hành Khá trên phạm vi cả nước trong các năm tiếp theo.
Nội dung thực hiện: Tỉnh tập trung quán triệt và triển khai nội dung: Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 26/7/2016 của Ban Thường vụ tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Quyết định số 1683/QĐ-UBND ngày 29/7/2015 về chương trình hành động nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch số 2511/KH-UBND ngày 28/6/2016 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 – 2017 và định hướng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận; Kế hoạch số 5063/KH-UBND ngày 13/12/2016 về triển khai thực hiện Biên bản cam kết giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, tạo chuyển biến mạnh, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; xác định việc phấn đấu cải thiện các chỉ số PCI là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành nhằm thu hút, huy động các nguồn lực tập trung thực hiện đạt các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh năm 2017 và trong giai đoạn tới; Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến thuế, đất đai, đầu tư, xây dựng… theo hướng thông thoáng, dễ hiểu, dễ thực hiện đối với doanh nghiệp nhằm giảm bớt chi phí, thời gian của doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 43/NQ-CP ngày 06/6/2014 và Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ; tiếp tục thực hiện tốt cơ chế “một cửa” và “ một cửa liên thông” trên các lĩnh vực, nhất là các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp và Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 01/7/2016 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020; tăng cường hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính; giải quyết kịp thời, thỏa đáng các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong các lĩnh vực đất đai, giải phóng mặt bằng, thực hiện các chính sách thuế, tín dụng…để doanh nghiệp phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại tỉnh; Tăng cường chấn chỉnh lề lối làm việc, kỷ luật kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm và chất lượng phục vụ trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, kỹ năng giao tiếp hành chính đối với cán bộ, công chức, nhất là những cán bộ, công chức thường xuyên tiếp xúc với người dân và doanh nghiệp.
Nhiệm vụ trọng tâm ngành khoa học và công nghệ: Triển khai có hiệu quả đẩy mạnh Chỉ số “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp” góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Ninh Thuận năm 2017 theo Kế hoạch số 2038/KH-UBND ngày 30/5/2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Chương trình hành động nâng cao chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Ninh Thuận năm 2017, Sở Khoa học và Công nghệ tập trung vào mục tiêu chính là tiếp tục triển khai Chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận năm 2017 nhằm: Nâng cao nhận thức, năng lực cạnh tranh của các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận thông qua việc thực hiện chính sách hỗ trợ về hoạt động khoa học và phát triển công nghệ, tác động đến các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, áp dụng các tiến bộ về khoa học và công nghệ vào tổ chức kinh tế, doanh nghiệp để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh về chất lượng sản phẩm hàng hóa, trình độ công nghệ trong doanh nghiệp. Kết quả năm 2017 số Doanh nghiệp đã sử dụng các dịch vụ liên quan đến công nghệ: Đạt nhóm thứ hạng trên 30%, điểm (Min-Max): 18,06÷46,03; Doanh nghiệp đã sử dụng nhà cung cấp tư nhân cho các dịch vụ liên quan đến công nghệ: Đạt nhóm thứ hạng trên 40%, điểm (Min-Max): 11,76÷71,05; Doanh nghiệp có ý định tiếp tục sử dụng nhà cung cấp dịch vụ trên cho các dịch vụ liên quan đến công nghệ (%): Đạt nhóm thứ hạng trên 50%, điểm (Min-Max): 18,75÷71,43.
Giải pháp thực hiện: Đẩy mạnh các Hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ; Hoạt động bảo hộ, xác lập quyền sở hữu công nghiệp (Đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích, Đăng ký kiểu dáng công nghiệp, Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa thông thường trong và ngoài nước, Đăng ký sử dụng mã số, mã vạch cho sản phẩm đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ, Xây dựng các dự án đăng ký bảo hộ, khai thác tạo lập, quản lý và phát triển các nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý của địa phương) Hoạt động phát triển thị trường công nghệ, tham gia Chợ công nghệ (Techmart); Hoạt động đổi mới và áp dụng công nghệ quản trị doanh nghiệp thông qua áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến; giải thưởng chất lượng Quốc gia (Hoạt động đổi mới và áp dụng công nghệ quản trị doanh nghiệp thông qua các hệ thống quản lý được chứng nhận theo tiêu chuẩn ISO 14001; ISO 9001:2008, ISO 22000, GMP, TQM, SA 8000, VietGap, OHSAS 18001; các hệ thống quản lý khác nhằm vào mục đích đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, an toàn, sức khỏe, môi trường, tiết kiệm năng lượng; Hỗ trợ chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng phòng kiểm nghiệm, thử nghiệm và hiệu chuẩn đạt chuẩn ISO/IEC17025; Hỗ trợ doanh nghiệp đạt giải thưởng chất lượng quốc gia); Tổ chức triển khai thí điểm tổ chức, quản lý hoạt động KHCN theo cách tiếp cận hệ thống đổi mới: Tham mưu chọn lựa 01-02 doanh nghiệp hình thành Doanh nghiệp khoa học và công nghệ và đóng vai trò trung tâm của hoạt động đổi mới để đề xuất và triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ./.