(Báo Nhân dân ) Sự hợp tác này thúc đẩy ra đời các sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt có tính cạnh tranh cao, dần hình thành thị trường khoa học và công nghệ (KH và CN). Tuy nhiên, để việc hợp tác đạt hiệu quả hơn nữa, cần những chính sách, mô hình phù hợp.
Vừa qua, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) chuyển giao kết quả nghiên cứu về chiết xuất hoạt chất KG1 từ cây địa liền cho một doanh nghiệp để sản xuất sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Ðại diện doanh nghiệp cho biết, khi công trình nghiên cứu KG1 của các nhà khoa học đầu ngành đáp ứng được tiêu chí của doanh nghiệp về sử dụng nguyên liệu dược liệu trong nước, đơn vị quyết định hợp tác, nhằm phát triển các bài thuốc cổ truyền thành dạng bào chế hiện đại, có minh chứng khoa học. Việc chuyển giao quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học của đề tài cho doanh nghiệp là một trong rất nhiều công trình nghiên cứu của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam có khả năng phát triển và ứng dụng.
TS Hà Quý Quỳnh, Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) cho biết, gần đây, nhiều đề tài, dự án KH&CN của các đơn vị nghiên cứu đã được ứng dụng trong thực tế, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển thị trường KH&CN. Ngày càng nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng hợp tác với nhà khoa học. Hình thức hợp tác thường là doanh nghiệp đặt hàng, tài trợ chi phí nghiên cứu, bao tiêu đầu ra hoặc doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ để phát triển sản phẩm. Một số công nghệ điển hình đã được chuyển giao thời gian qua như: Viện Hóa học chuyển giao công nghệ bảo quản quả vải bằng màng bao gói khí quyển Map cho doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu quả vải tại tỉnh Bắc Giang. Công nghệ này cũng được ứng dụng trong bảo quản măng tây tại tỉnh Ninh Thuận; quy trình sản xuất dòng sản phẩm bảo vệ sức khỏe Metaherb cho Công ty Hoàng Châu và Công ty Phương Ðông; Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang chuyển giao công nghệ chế tạo phức hệ NANO EXTRA XFGC dùng trong phòng và hỗ trợ điều trị ung bướu cho Công ty cổ phần Dược phẩm GoldHealth Việt Nam; Viện Hải dương học chuyển giao kết quả nghiên cứu ứng dụng đèn Led cho nghề lưới vây kết hợp ánh sáng khai thác thủy sản xa bờ cho doanh
nghiệp và ngư dân khu vực ven biển miền trung và Công ty Rạng Ðông; Viện Công nghệ sinh học chuyển giao nhiều công nghệ trong lĩnh vực công nghệ sinh học, nổi bật như chuyển giao kết quả nghiên cứu Natuzen cho Công ty cổ phần Dược Hậu Giang sản xuất thuốc hạ men gan…
Xu hướng doanh nghiệp thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học để có các sản phẩm cạnh tranh đang bắt đầu phát triển. Là đơn vị đã có một số sản phẩm ra đời từ sự hợp tác này, được thị trường đón nhận; Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần liên kết Trí Việt (CVI) Phan Văn Hiệu cho biết, đơn vị thường “săn” các kết quả nghiên cứu khoa học từ thông tin đăng trên trang web hoặc qua đầu mối chuyển giao công nghệ của các viện nghiên cứu, trường đại học. Ðơn đặt hàng lâu nhất là khoảng hai năm, kể từ khi ký hợp tác đến khi nghiệm thu, ra sản phẩm. Doanh nghiệp có vốn, có khả năng kinh doanh nhưng không có công nghệ, khi kết hợp với nhà khoa học, nhận chuyển giao, doanh nghiệp không phải bỏ thời gian, kinh phí, nhân lực để nghiên cứu, còn các nhà khoa học có thêm nguồn lực tài chính để tái đầu tư nghiên cứu sâu hơn, công nghệ mới hơn, phục vụ nhu cầu xã hội. PGS,TS Phí Quyết Tiến, Phó Viện trưởng Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) thừa nhận, kinh nghiệm về khảo sát và phát triển thị trường của doanh nghiệp giúp các nhà khoa học định hướng tạo ra sản phẩm tốt hơn, đáp ứng yêu cầu thực tế và phù hợp với người sử dụng. Việc ngày càng nhiều doanh nghiệp tiếp nhận kết quả nghiên cứu để triển khai sản xuất sẽ là động lực để các nhà khoa học có trách nhiệm hơn với kết quả nghiên cứu của mình, cùng doanh nghiệp tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh cao.
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng, cần có hành lang pháp lý đầy đủ và cơ chế phù hợp để hoạt động chuyển giao công nghệ thuận lợi hơn. Thực tế, có trường hợp doanh nghiệp ký hợp đồng nhận chuyển giao nguyên liệu sản xuất thực phẩm chức năng từ các nhà khoa học, nhưng một thời gian sau đó không sử dụng nguyên liệu được chuyển giao mà đi mua từ nguồn khác rẻ tiền, kém chất lượng. Trong khi đó, nhà khoa học không thể kiểm soát được chất lượng sản phẩm theo các tiêu chí nghiên cứu. Khắc phục bất cập này, cần xây dựng cơ chế để các cơ sở nghiên cứu khoa học đẩy mạnh hình thành doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực KH&CN, trong đó gắn kết chặt chẽ giữa nhà khoa học, phòng thí nghiệm và doanh nghiệp. PGS,TS Phí Quyết Tiến kiến nghị, nếu sản phẩm để cho nhà khoa học phát triển thì sản phẩm tạo ra bị hạn chế về quy mô sản xuất, thiếu cạnh tranh về giá, khó có tính lan tỏa tốt; để cho doanh nghiệp phát triển thì hạn chế về nghiên cứu phát triển (R&D) và cải thiện chất lượng sản phẩm. Do đó, cần có mô hình doanh nghiệp về KH&CN, được hình thành từ các nhà khoa học kết hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để liên tục phát triển, cải thiện sản phẩm. Mô hình này cho phép cơ sở nghiên cứu và nhà sáng chế cùng sở hữu sản phẩm. Ðiều đó gắn quyền lợi và trách nhiệm của các nhà khoa học, giúp việc nghiên cứu tận tâm, sát thực tế hơn.