(Theo NASATI) – Ngày 12/9/2017, tại TP. Hồ Chí Minh, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã chủ trì khai mạc Diễn đàn khởi nghiệp APEC 2017, với sự tham dự của trên 300 đại biểu đại điện cho 21 nền kinh tế APEC.
Tại Diễn đàn này, các đại biểu đến từ các nền kinh tế chia sẻ kinh nghiệm, các sáng kiến và công cụ hỗ trợ khởi nghiệp, hình thành một cộng đồng khởi nghiệp APEC kết nối, năng động và sáng tạo. Các sáng kiến và nội dung của Diễn đàn khởi nghiệp APEC sẽ được thảo luận và dự kiến đưa ra thành tuyên bố chung về thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa để báo cáo lên Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC.
Diễn đàn bao gồm các phiên toàn thể và phiên thảo luận song song, có sự góp mặt của các diễn giả có nhiều năm kinh nghiệm làm việc với cộng đồng doanh nghiệp, khởi nghiệp của Việt Nam và quốc tế. Diễn đàn tập trung thảo luận những nội dung nhằm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp như: tạo điều kiện cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đổi mới, sáng tạo, xây dựng các cơ hội để hội nhập khu vực và quốc tế, tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu ngay từ khi khởi nghiệp; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xã hội một cách bền vững và thân thiện với môi trường.
Một nội dung chính của Diễn đàn được các đại biểu tập trung trao đổi là hệ sinh thái khởi nghiệp APEC. Theo các chuyên gia, hệ sinh thái khởi nghiệp hoạt động hiệu quả là tiền đề quan trọng để tinh thần kinh doanh ngày càng phát triển, có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp hiệu quả. Hệ sinh thái khởi nghiệp cần được xây dựng có tầm nhìn dài nhằm đảm bảo tính bền vững. Đồng thời, các đại biểu cũng thảo luận về định hướng và các hoạt động của các nền kinh tế để cùng nhau xây dựng sinh thái khởi nghiệp kết nối, năng động và sáng tạo trong khu vực.
Về đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, 4 nội dung được các đại biểu tập trung bàn thảo tại các phiên thảo luận song song của Diễn đàn là Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số; Giáo dục, đào tạo về khởi nghiệp, tăng cường kỹ năng nghề cho giới trẻ; Dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp; Khởi nghiệp bền vững. Cụ thể, về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số, theo các đại biểu, phát triển trên nền kinh tế số hoá đang là xu hướng bắt buộc trong khu vực APEC và thế giới. Phần lớn các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo của công nghệ, và cũng làm thay đổi cách nhìn về thế giới. Hoạt động để thúc đẩy đổi mới sáng tạo với việc ứng dụng CNTT vào phát triển lĩnh vực trọng tâm dựa trên lợi thế cạnh tranh, ứng dụng công nghệ và liên kết các doanh nghiệp khởi nghiệp trong các chuỗi giá trị ngành có lợi thế của các nền kinh tế: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch, văn hoá, giải trí, logistics, và sản xuất chế biến. Giáo dục, đào tạo về khởi nghiệp, tăng cường kỹ năng nghề cho giới trẻ được nhận định là một trong những chỉ số quan trọng để đánh giá hệ sinh thái khởi nghiệp hiệu quả. Đây là cơ hội để học hỏi kinh nghiệm, đưa ra sáng kiến để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo khởi nghiệp, tăng cường đổi mới sáng tạo trong khu vực. Dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp là các dịch vụ phát triển kinh doanh hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, nhanh chóng vượt qua giai đoạn khởi sự, phát triền và mở rộng. Các dịch vụ và các hoạt động hỗ trợ ngày càng đa dạng phong phú. Tại phiên thảo luận, các kinh nghiệm thực tiễn, hiệu quả hỗ trợ khởi nghiệp trong khu vực APEC đã được chia sẻ và thảo luận. Các đại biểu cũng thống nhất nhận định để phát triển bền vững và tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu, các doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định pháp luật, nâng cao đạo đức kinh doanh thông qua việc thúc đẩy các tiêu chuẩn kinh doanh tốt cho doanh nghiệp từ bước khởi nghiệp. Cũng trong phiên thảo luận về nội dung khởi nghiệp bền vững, các kinh nghiệm và bài học thực tiễn về đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển chuỗi cung ứng xanh, thực hiện trách nhiệm xã hội được chia sẻ giữa các nền kinh tế APEC.
Tại Diễn đàn, đại biểu đến từ Canada chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ khởi nghiệp cho phụ nữ. Nhiều nền kinh tế chia sẻ bài học về đào tạo khởi nghiệp, hay kết nối giữa các trường đại học với doanh nghiệp khởi nghiệp. Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu và Hãng Microsoft đưa ra các kiến nghị về việc đổi mới tư duy hoạch định chính sách khởi nghiệp trong kỷ nguyên công nghệ số 4.0.
Ông Dave Miller, Giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Hãng Microsoft, Hoa Kỳ cho biết: “Tôi nghĩ có rất nhiều cơ hội ở đây. Tôi gặp gỡ các startup, nhiều người giữ vai trò quan trọng ở các công ty, các cơ quan chính phủ hoặc người đứng đầu các doanh nghiệp. Chúng tôi dành nhiều thời gian để nói về chính sách, và tôi nghĩ yếu tố này rất quan trọng khi các nhà lãnh đạo và chuyên gia không chỉ thảo luận về chính sách mà còn đối thoại với nhau về môi trường làm việc, tiềm năng, thế mạnh riêng… để có thêm động lực xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp“.
Tại diễn đàn này, phía Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới và sáng tạo giúp nhiều doanh nghiệp vừa, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam đã ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời có nhiều chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành lập doanh nghiệp… TS. Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) cho biết: VCCI đã và đang tham mưu cho Chính phủ xây dựng nhiều chính sách kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước với các nền kinh tế APEC và toàn cầu. Đồng thời, hỗ trợ kiến thức kinh doanh để những người khởi nghiệp có thể nắm bắt được các cơ hội cũng như vượt qua được những thách thức trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho rằng, trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam có nhiều thuận lợi để đi tắt đón đầu trong khởi nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp phát triển trên nền tảng công nghệ cao: Qua diễn đàn chúng ta hiểu được cần phải làm gì trong thời gian tới để cho hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đi đúng hướng và có thể tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng khuyến nghị, các nền kinh tế APEC cần tăng cường hợp tác kinh tế, kỹ thuật, chia sẻ thông tin giữa các nước thành viên. Thúc đẩy khởi nghiệp trên cơ sở đổi mới sáng tạo đang là xu thế tất yếu. Hệ sinh thái khởi nghiệp trong nền kinh tế APEC vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và còn nhiều khoảng cách giữa các nền kinh tế. Các doanh nghiệp khởi nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong việc kêu gọi các nguồn lực. Điều này đòi hỏi các nước thành viên phải tăng cường hợp tác hơn nữa để tạo nền tảng vững chắc, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Để thúc đẩy khởi nghiệp, nhiều đại biểu khuyến nghị, tăng cường các hoạt động nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ; kết nối giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp. Đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ, chú trọng đầu tư vào đổi mới sản phẩm đối với thị trường và tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều quan trọng là cải thiện độ mở của thị trường nội địa và các quy định gia nhập thị trường, từ đó thúc đẩy phát triển các dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp. Cải thiện mạnh mẽ hơn nữa hệ thống đào tạo về kinh doanh, đặc biệt ở bậc phổ thông. Đây chính là cơ hội để Việt Nam và các nền kinh tế APEC tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, đưa ra sáng kiến để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo khởi nghiệp. Chỉ như vậy, Việt Nam mới có được đội ngũ doanh nghiệp mạnh, đủ sức cung cấp sản phẩm thương hiệu Việt, vươn ra thị trường khu vực và toàn cầu. Chất lượng và sức khỏe doanh nghiệp được gia tăng dựa trên đổi mới sáng tạo, thương mại hóa, từ đó khai thác tốt nhất các mô hình kinh doanh mới.