Ông Nguyễn Thế Trung đứng ở hàng thứ 2, bìa phải tại Lễ ra mắt Hệ tri thức Việt số hóa. Ảnh: VGP

(Theo Báo KH&PT) Hệ tri thức Việt số hóa đã được khởi động vào ngày đầu năm 2018, là một kho dữ liệu tập hợp những thông tin trên toàn diện các lĩnh vực của Việt Nam và thế giới do cộng đồng cùng đóng góp và sử dụng.

Đề án này được Bộ trưởng Bộ KH&CN nhận định rằng, đó là một trong những công cụ cụ thể, thiết thực và thực chất để Việt Nam chuẩn bị hội nhập, tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Để hiểu rõ thêm về đề án này, Báo KH&PT đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Thế Trung, Tổng giám đốc Công ty DTT, thành viên của nhóm nòng cốt xây dựng Hệ tri thức Việt số hóa.

Xin ông cho biết sự cấp thiết của dự án?

Ông Nguyễn Thế Trung: Những điều Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ KH&CN phát biểu đã đầy đủ về mức cao của sự cần thiết. Về cá nhân tôi, dự án này cấp thiết ở chỗ chúng ta cần những mô thức phát triển cộng đồng tích hợp được sức mạnh của các công ty công nghệ với nhu cầu sử dụng dữ liệu, tri thức của đất nước.

Rõ ràng các công ty cung cấp, chia sẻ dữ liệu, tri thức hiện là những công ty lớn thành công trên quốc tế từ Google đến Facebook hay Amazon, nếu không muốn phụ thuộc mãi vào những hệ thống của quốc tế vốn làm ra không tập trung vào nhu cầu Việt Nam – ví dụ họ chưa phục vụ nông dân và học sinh Việt Nam toàn diện – thì chúng ta cần làm đề án này.

Là đơn vị hoạt động cả trong công nghệ và giáo dục, chúng tôi thấy có rất nhiều sự phí hoài trong việc nhà nước và cộng đồng đã làm ra nhiều dữ liệu, tri thức nhưng lại không phổ biến, thu hút được người dùng cũng như các công ty không có vốn dữ liệu để phát triển phục vụ nhu cầu xã hội và làm giàu, trong khi nhu cầu của người Việt rất lớn.

Khi tham gia đề án này, ông đã lường trước những khó khăn gì và phương hướng giải quyết như thế nào?

Ông Nguyễn Thế Trung: Khó khăn nhất là sự tiếp nhận của cộng đồng, nên chúng tôi thấy cần có nòng cốt là chính phủ và một số doanh nghiệp đi trước làm trước, rồi dần dần mới có sự tham gia của mọi người. Qua dự án Thánh Gióng hay nhìn rộng ra là các chương trình vì cộng đồng khác (như sách hóa nông thôn) cho thấy rằng Việt Nam chưa quen với mô hình cộng đồng. Chính vì thế phải có nhóm nòng cốt ban đầu, nhưng đồng thời phải có nguyên tắc để mọi người đều có thể tham gia và hưởng lợi.

Một điều khá thú vị là trong khi các kho dữ liệu và dự án số hóa lớn trên thế giới được khởi xướng, triển khai và tài trợ từ các cơ quan trực thuộc chính phủ, viện nghiên cứu, trường đại học thì ở nước ta lại có sự tham gia ngay từ đầu của một nhóm nòng cốt bao gồm các doanh nghiệp tư nhân. Vậy vai trò của doanh nghiệp ở đây là gì?

Ông Nguyễn Thế Trung: Dự án này Chính phủ khởi xướng và giao cho Bộ KH&CN, sau đó lãnh đạo Chính phủ và Bộ KH&CN huy động các doanh nghiệp, các trường đại học và nhiều tổ chức, cá nhân tham gia. Có thể nói đến lúc này các doanh nghiệp chỉ đi trước để tạo lập ra nền tảng công nghệ ban đầu, vì để có kho dữ liệu thì cần có kho trước.

Đây là nhiệm vụ cần thiết, nhưng không quan trọng nhất, việc đóng góp dữ liệu mới là việc quan trọng và chắc chắn đây là việc chính phủ, viện nghiên cứu, trường đại học phải là lực lượng chính. Khi các đơn vị này vào cuộc họ sẽ dùng nguồn lực của nhà nước – hay nói cách khác là nguồn lực ngân sách (trong đó có tiền – ví dụ tiền lương trả cho công chức, nhà nghiên cứu, đề tài…).

Các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ là những người nói nhiều nhất về tài nguyên dữ liệu, nào là từ dầu mỏ tới dữ liệu, nào là dữ liệu của chính phủ là nguồn tài nguyên nếu doanh nghiệp được tiếp cận sẽ làm ra nhiều giá trị mới.

Vậy thì đây là lúc doanh nghiệp biến lời nói đó thành hiện thực. Sẽ là điều mâu thuẫn nếu các doanh nghiệp thì nói như vậy nhưng lại đòi nhà nước cấp tiền để làm kho. Chính vì thế nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng đầu tư kho để tạo ra tài nguyên dữ liệu để họ cũng như các doanh nghiệp khác có thể khai thác tạo thành hiệu quả. Chúng tôi là một đơn vị như vậy.

Doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi gì từ đề án này?

Ông Nguyễn Thế Trung: Tất nhiên là nhóm doanh nghiệp tiên phong sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích bởi đề án được thực hiện với 5 nguyên tắc:

1 – Nguyên tắc tự nguyện: Mọi tri thức, dữ liệu, nguồn lực đều được các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đóng góp cho đề án trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện.

2 – Nguyên tắc minh bạch: Mọi tài nguyên, dữ liệu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng góp cho đề án Hệ tri thức Việt số hóa đều được công khai, minh bạch trên nền tảng hệ sinh thái chung của đề án.

3 – Nguyên tắc mở: Bất kỳ tổ chức, cá nhân, đơn vị nào cũng có thể trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia đóng góp hoặc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên dữ liệu trên hệ sinh thái chung của đề án.

4 – Nguyên tắc bình quyền: Mọi người dân đều bình đẳng trong việc đóng góp và hưởng lợi từ những giá trị mà hệ sinh thái đề án mang lại. Đề án hoạt động trên cơ sở đóng góp – hưởng lợi, những đóng góp dù nhiều hay ít sẽ đều được ghi nhận, tôn vinh xứng đáng.

5 – Nguyên tắc ích nước lợi nhà: Hệ tri thức Việt số hóa được xây dựng nhằm khơi dậy và lan tỏa đam mê sáng tạo khoa học, khát vọng cống hiến tri thức của mọi người, góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết của toàn dân trên mọi lĩnh vực. Từ đó ứng dụng tri thức để phục vụ sản xuất, kinh doanh; cải thiện chất lượng cuộc sống, thúc đẩy đất nước phát triển.

Trong bốn hợp phần của Hệ tri thức Việt số hóa, hợp phần dữ liệu mở và hệ tri thức, theo tôi, đóng vai trò nền tảng để có thể thực hiện tốt các hợp phần còn lại. Tuy nhiên, nhóm nòng cốt đã có những kế hoạch như thế nào để từng bước thúc đẩy phong trào open government data, open access ở Việt Nam chưa? (trong bối cảnh người ta thường viện các lí do về an ninh, bí mật quốc gia, nhạy cảm… để không công bố các dữ liệu của nhà nước và cả các nghiên cứu về KH&CN?)

Ông Nguyễn Thế Trung: Nhóm nòng cốt bao gồm doanh nghiệp và chính phủ, những việc của doanh nghiệp là tạo công cụ (công nghệ, nền tảng) – hay gọi nôm na là kho, những việc về chính sách (open gov…) là của chính phủ và lãnh đạo chính phủ đã và đang vào cuộc để tạo ra cơ chế cho việc này. Chẳng hạn, sắp tới, theo tôi biết, Văn phòng Chính phủ sẽ họp về dữ liệu mở của chính phủ, các bộ ngành cũng đang tích cực vào cuộc. Chúng ta cần phải tin vào chính phủ về những việc này, không nên dùng những góc nhìn kỹ thuật hàn lâm và đòi hỏi.

Tất cả các dự án số hóa lớn trên thế giới theo tôi, đều rất tham vọng và lúc nào cũng ẩn chứa nhiều rủi ro thất bại. Nói đúng hơn thì dự án càng lớn thì khả năng thất bại càng lớn. Vậy nếu đề án này không đạt được tham vọng như ban đầu đặt ra thì theo ông, vẫn có thể đạt được một số mục tiêu nào đó quan trọng hay không?

Ông Nguyễn Thế Trung: Nếu chúng ta sợ mà không làm thì không bao giờ có: “Sảy thai còn hơn tuyệt chủng” phải là câu nằm lòng của trí thức. Nếu tôi có quyền thì tôi đã làm dự án này cách đây 10 năm (thực tế vào năm 2008 chúng tôi đã tham dự Đề án Thánh Gióng do Trung ương Đoàn khởi động xây dựng mạng xã hội tương tự nhưng do chỉ có sự tham gia của Trung ương Đoàn và các công ty cũng còn non yếu về công nghệ và người dùng chưa quen mạng xã hội nên không thành công) bởi vì nhu cầu cấp thiết của nó. Nhìn những lãnh đạo chính phủ, bộ ngành, địa phương và nhóm doanh nghiệp tiên phong đã vào cuộc với một ý chí và quyết tâm rất cao tôi chắc chắn rằng kết quả đề án sẽ vượt xa những mục tiêu mà chúng ta đã đề ra.