Ngày 14/12/2017, tại Đà Nẵng, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ tổ chức hội thảo khoa học “Đổi mới sáng tạo phát triển bền vững vùng và địa phương trong bối cảnh mới”.
Những động thái mới đây trên thế giới cho thấy, đổi mới sáng tạo đang nổi lên như là nhân tố chen chốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao lợi thế cạnh tranh quốc gia. Chỉ có đổi mới sáng tạo, con người mới giải quyết được những thách thức lớn trong thế kỷ 21 như biến đổi khí hậu, an ninh sinh thái, an ninh năng lượng, an ninh lượng thực, khủng hoảng về mô hình phát triển. TS. Bùi Đức Hùng cho rằng, đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội cho các quốc gia đang phát triển có thể bứt phá, rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển nếu họ có chiến lược và đối sách đổi mới sáng tạo. Như Thủ tướng Chính phủ đã từng khẳng định, “cách mạng 4.0 chính là cơ hội thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc ta”. “Tuy nhiên, sẽ không có một hình mẫu chung về sự đổi mới sáng tạo cho tất cả, mà mỗi quốc gia phải linh hoạt, sáng tạo trong việc thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia, của từng vùng và từng địa phương, của từng lĩnh vực”, ông Bùi Đức Hùng khẳng định.
Cơ hội đến từ đổi mới sáng tạo và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là rất lớn. Việt Nam có thể sớm đạt được mục tiêu trở thành một quốc gia công nghiệp từ 1-2 thập kỷ tới hay không, điều đó không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực, quyết tâm chính trị, mà còn cần phải dựa vào năng lực học hỏi và sự vận dụng linh hoạt đổi mới sáng tạo vào thực tiễn. Bên cạnh nhận diện các cơ hội, thách thức đối với quá trình phát triển bền vững của Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các ý kiến tại hội thảo đã đề xuất các sáng kiến, giải pháp đổi mới sáng tạo phát triển bền vững, trong đó nhấn mạnh đến việc lựa chọn các mô hình phát triển thông minh, bền vững.
TS. Trịnh Thị Thu, Trường quốc tế Pegasus Việt Nam cho rằng, du lịch trong cách mạng công nghiệp 4.0 cũng cần đổi mới sáng tạo, phát triển mô hình du lịch thông minh với sự hỗ trợ của công nghệ số. Sự thông minh thể hiện ở chỗ phải tính toán được lợi hại của các dịch vụ, tuyên truyền sâu rộng cho người dân thấy được lợi ích của dịch vụ chất lượng cao, cũng như những thiệt hại của việc làm ăn kiểu “chụp giựt” khiến du khách không muốn quay trở lại. Cùng với đó, khai thác ưu việt của công nghệ số có thể tạo ra và cung cấp các dịch vụ tốt nhất cho khách du lịch, làm cho du khách thật hài lòng khi đặt chân đến các địa phương của Việt Nam.
Một số doanh nghiệp như Vietravel, Vietrantour, Five Star Traval… đã số hoá dữ liệu, cập nhật thông tin tour tuyến, những ưu đãi lên website, ứng dụng công nghệ mới để tăng trải nghiệm của khách hàng, nâng cấp phần mềm điều hành tour, triển khai cổng thanh toán điện tử, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tương tác với khách hàng… nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây chính là cơ sở phát triển du lịch thông minh.
TS. Hoàng Hồng Hiệp, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ, cho rằng mấu chốt quyết định sự thành bại của phát triển kinh tế hiện nay chính là xây dựng năng lực công nghệ hiện đại cho nền kinh tế thông qua việc thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình đổi mới và sáng tạo công nghệ cho hệ thống doanh nghiệp.
Phát triển năng lực công nghệ cho doanh nghiệp sẽ tạo ra năng lực sản xuất mới, đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng các ngành. Đây cũng vừa là tiền đề hình thành các nghề mới có năng lực cạnh tranh quốc tế, vừa là chìa khoá thực hiện tăng trưởng xanh. Ông Hiệp đề xuất, đối với vùng và địa phương cần chú trọng đội ngũ lao động lành nghề, có trình độ kỹ năng; hoàn thiện cơ chế chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích doanh nghiệp nội vùng đổi mới công nghệ; xây dựng chính sách đột phá nhằm nâng cao năng lực công nghệ cho doanh nghiệp vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; chú trọng phát triển thị trường khoa học công nghệ của từng vùng, thu hút nguồn vốn FDI có công nghệ cao…