Ông Nguyễn Văn Hiếu giới thiệu về ứng dụng GIS trong quản lý sự cố mạng lưới cấp nước tại vòng thuyết trình Cuộc thi “Tìm kiếm giải pháp, sản phẩm GIS TPHCM 2018”
(Báo Khoa học và phát triển) Sau một năm ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) để quản lý sự cố mạng lưới cấp nước, Công ty Cổ phần cấp nước Bến Thành đã giảm được gần 20% lượng nước bị thất thoát trong khu vực Quận 1 và Quận 3, TPHCM so với trước đây.
Ông Nguyễn Văn Hiếu – Phó Trưởng ban Ban Quản lý giảm nước không doanh thu, Công ty ty Cổ phần cấp nước Bến Thành – cho biết, trên địa bàn Quận 1 và Quận 3 TPHCM, mỗi năm có từ 2.500 – 3.000 điểm rò rỉ nước, làm thất thoát khoảng 18 triệu m3nước/năm.
Trước đây, khi người dân thông báo cho công ty những sự cố về nước, nhân viên trực tổng đài tiếp nhận thông tin rồi chuyển cho bộ phận phụ trách xử lý. Sau đó, bộ phận này chuyển thông tin cho bộ phận kỹ thuật, kế hoạch để phân công nhân viên đi xử lý. Nhân viên đến hiện trường xem xét, xử lý sự cố rồi báo cáo lại bộ phận phụ trách để báo cáo lại lãnh đạo. “Quá trình này tốn khá nhiều thời gian để chuyển thông tin và báo cáo, nên sự cố không được khắc phục sớm, vì vậy làm thất thoát lượng nước khá lớn” – ông Hiếu chia sẻ.
Trước thực tế đó, nhóm kỹ sư của Công ty đã nghiên cứu, đưa ra giải pháp quản lý sự cố cấp nước dựa trên ứng dụng GIS (Hệ thống thông tin địa lý).
Giải pháp ứng dụng phần mềm Collector, Tổng đài Call Center, và Operation Dashboard, theo đó, khi khách hàng gọi điện thông báo sự cố, nhân viên trực tổng đài nhập thông tin lên bản đồ quản lý sự cố. Nhân viên sửa chữa chỉ cần mở ứng dụng sẽ biết được điểm nào đang gặp sự cố và đến để xử lý khi nhận được thông báo. Xử lý xong, nhân viên cập nhật ngay thông tin sự cố (người giám sát, trạng thái, nguyên nhân,…) và gửi về hệ thống mà không cần đến công ty báo cáo.
“Nhờ quy trình này mà đội ngũ lãnh đạo, quản lý, điều hành ở bất kỳ đâu cũng nắm bắt được nhanh được tình trạng những điểm xảy ra sự cố và thời gian khắc phục trong bao lâu. Đây cũng là cách Công ty có thể giám sát được vật tư, giảm tình trạng thất thoát trong quá trình sửa chữa” – ông Hiếu nói và cho biết, nhờ ứng dụng này, Công ty không phải quản nhân viên theo thời gian mà theo công việc. Mỗi nhân viên được cấp một tài khoản, hàng tháng qua tài khoản này sẽ biết được họ sửa chữa bao nhiêu điểm để tính thu nhập.
Các thông tin về điểm sự cố được cập nhật nhanh chóng và quản lý chặt chẽ trên bản đồ quản lý sự cố mạng lưới cấp nước
Theo ông Hiếu, năm 2018, tại Quận 1 và Quận 3 đã giảm được 20% lượng nước thất thoát so với các năm trước khi chưa áp dụng giải pháp. Dự kiến, lượng nước thất thoát sẽ được giảm nhiều hơn vào các năm tiếp theo khi hệ thống đi vào ổn định. Ngoài ra, Công ty còn tiết kiệm được nhân lực, chi phí hành chính, rút ngắn thời gian xử lý sự cố, thông tin được cập nhật và quản lý chặt chẽ. Phương thức quản lý truyền thống cũng được đổi sang công nghệ hiện đại.
“Giải pháp này được ví như ‘bệnh án điện tử’, không chỉ áp dụng trong ngành cấp nước mà còn có thể triển khai trong ngành điện lực, thoát nước đô thị, phòng cháy chữa cháy,…” – ông Hiếu nói.
Theo ông Hiếu, hiện nay tình trạng thất thoát nước ở TPHCM nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn ở mức khá cao. Tuy nhiên, hầu hết các công ty cấp nước chưa đầu tư ứng dụng GIS vào quản lý sự cố cấp nước.
“Nếu ứng dụng nói trên được triển khai rộng rãi trên cả nước thì đây là một cuộc cách mạng trong ngành cấp nước, góp phần giảm đáng kể lượng nước thất thoát hàng năm” – ông Hiếu khẳng định.