Các em nhỏ đang khám phá thiên nhiên trong vườn thực vật tại Vườn Quốc gia Cúc Phương, hoạt động này thuộc dự án “Trao Bé Hạt Mầm” do Save Vietnam’s Wildlife tổ chức. Ảnh: Save Vietnam’s Wildlife.
(Báo Khoa học và phát triển) Với học đường là những cánh rừng, học liệu là tự nhiên, giờ đây những mô hình giáo dục mở đa quốc gia đã mang đến các hình thức mới lạ để truyền tải kiến thức khoa học, khơi gợi tình yêu thiên nhiên của các em học sinh.
Trước năm 2016, ở Việt Nam, chiến dịch Giờ Trái đất (Earth Hour) gần như đã trở thành một biểu tượng của phong trào bảo vệ môi trường, kêu gọi đông đảo cộng đồng, các doanh nghiệp, đặc biệt là thế hệ trẻ tiết kiệm năng lượng, kết nối với thiên nhiên. Sau đó, một thế hệ các thủ lĩnh chống biến đổi khí hậu cũng từ „cái nôi‟ này mà đi lên.
Nhưng về sau, chương trình đã được cộng đồng đánh giá lại. Kết cục của hàng nghìn bóng đèn LED, hàng nghìn cây nến được các bạn trẻ sử dụng trong các buổi lễ, những tờ rơi, các áp phích kêu gọi… bị bỏ lại đã dẫn đến câu hỏi: cần phải thay đổi hành vi và nhận thức từ bên trong chứ không chỉ là bề nổi. Khách quan mà nói, ảnh hưởng của chương trình là không thể chối cãi, nhưng chỉ một Giờ Trái đất sẽ không thay đổi
„cuộc chơi‟ bảo vệ môi trường. Sứ mệnh giáo dục môi trường cần được tiếp tục với các hình thức tổ chức bền bỉ và lâu dài hơn.
“Đại sứ” giáo dục tê tê, cầy mực
“Ngày bé em thường nói chuyện với cây. Nhưng rồi thời gian trôi đi, khi lớn lên dường như em đã quên mất một số thứ ý nghĩa với bản thân mình. Hôm nay là lần đầu tiên sau rất lâu em mới có được lại cảm giác này” – Đó là tâm sự của một học sinh sau khi tham gia hoạt động kết nối với thiên nhiên thuộc hành trình “Khám phá và tắm rừng Sơn Trà” của Trung tâm Giáo dục Trải nghiệm Thiên nhiên Nature Dance (Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học Nước Việt Xanh – GreenViet).
Sơn Trà, cũng như các khu rừng, khu bảo tồn thiên nhiên khác của Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn đến từ các hoạt động săn bắn động vật hoang dã và khai thác du lịch thiếu bền vững. Một nhóm các nhà hoạt động vì môi trường, đứng đầu là TS. Hà Thăng Long đã thành lập ra GreenViet, với mục đích biến nơi đây thành nơi cung cấp cho người học cơ hội trải nghiệm và khám phá các kiến thức liên quan đến tự
nhiên, từ đó khơi gợi được tình yêu và tinh thần trách nhiệm trong việc bảo vệ thiên nhiên.
Các cán bộ trung tâm nhận thấy được rằng cần thiết phải có một trung tâm giáo dục tập trung vào tổ chức các hoạt động học tập và trải nghiệm thiên nhiên cho học sinh, sinh viên và người dân địa phương, Trung tâm GreenViet đã tiến hành xây dựng và thành lập ra Nature Dance – Trung tâm giáo dục trải nghiệm thiên nhiên đầu tiên tại Đà Nẵng.
Tiếp nối sự thành công bước đầu, các thành viên tiếp tục triển khai các hoạt động giáo dục trải nghiệm thiên nhiên tại khu vực rừng nằm ở phía Đông Nam bán đảo Sơn Trà, mà hành trình “Khám phá và tắm rừng Sơn Trà” là một trong số đó.
Dưới những tán cây, các thành viên trong đoàn đã “nhắm mắt ôm cây, bỏ giày đi chân đất, đi bộ trong im lặng, lấy hẳn giấy bút viết xuống những thắc mắc muốn hỏi cụ đa, hòn đá, em kiến, ngọn cỏ…” Các bạn được lắng nghe câu chuyện về các loài cây, về cuộc sống của những loài động vật trong rừng. Ẩn sau các hoạt động đó, thiên nhiên đã hiện lên một cách riêng biệt và độc đáo, khiến mỗi người phải chạnh lòng khi nhận ra chúng đang dần biến mất, bởi chính sự tàn phá của con người.
Cách bán đảo Sơn Trà khoảng 700 km, trong một khu vực thuộc Vườn Quốc gia Cúc Phương, một nhóm các nhà hoạt động môi trường thuộc Trung tâm Bảo tồn Động vật Hoang dã tại Việt Nam – Save Vietnam‟s Wildlife đang cùng nhau vận hành “Đi và khám phá” – chuỗi chương trình giáo dục môi trường cho các bạn nhỏ ở rất nhiều lứa tuổi.
Không chỉ GreenViet, thời gian gần đây hàng loạt các nhóm hoạt động vì môi trường khác như nhóm Hành động vì Động vật Hoang dã (Action for Wildlife Organization – AWO), Save Vietnam‟s Wildlife cũng đã tổ chức nhiều hoạt động giáo dục môi trường ở nhiều địa điểm khác nhau. Từ những khu bảo tồn thiên nhiên như Vườn quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Trung tâm bảo tồn Rùa Cúc Phương (Ninh Bình), Trung tâm cứu hộ Linh trưởng Nguy cấp (Ninh Bình)… cho tới những khu vực đứng trước nguy cơ thu hẹp như Sơn Trà (Đà Nẵng).
Điểm chung của các hoạt động giáo dục môi trường này là tính sư phạm bài bản và khoa học. Để xây dựng được nội dung chương trình, GreenViet không chỉ nhờ đến một vài chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, mà thậm chí còn thành lập một ban cố vấn gồm các nhà khoa học và nhà quản lý uy tín, như GS. TS. Lê Vũ Khôi (Nguyên trưởng ban khoa học công nghệ, Đại Học Quốc gia Hà Nội), TS. Võ Văn Minh (Trưởng khoa Sinh Môi trường, trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng)… Bản thân mỗi cán bộ thuộc trung tâm cũng là những nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này, đã từng đi nghiên cứu thực địa cho các dự án bảo tồn động vật hoang dã. Còn các tổ chức lớn như Save Vietnam‟s Wildlife đã xây dựng được một đội ngũ quản lý điều hành, hội đồng ban cố vấn là những chuyên gia trong và ngoài nước về lĩnh vực môi trường, thường xuyên thực hiện những bài nghiên cứu thực địa, nghiên cứu bảo tồn đáng tin cậy.
Còn đội ngũ thanh niên trẻ trực tiếp tổ chức chuyên môn và hoạt động của “Trải nghiệm Thiên nhiên” (Chuỗi chương trình do AWO tổ chức) bao gồm các thành viên cốt cán là thạc sĩ, sinh viên thuộc các trường, Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), ĐH Tài nguyên và Môi trường (Hồ Chí Minh) v.v… cùng giáo viên tại các trường THPT, THCS.
Chương trình bài bản
Không chỉ là những chuyến đi trải nghiệm nhất thời, những chương trình giáo dục môi trường ở Việt Nam trong thời gian gần đây đã phối hợp với các đơn vị, trường học để tiếp cận đến các em nhỏ, xây dựng những chương trình bài bản để thu hút các em tham gia đông đảo hơn.
Save Vietnam‟s Wildlife đã kết hợp với Vườn Quốc gia Cúc Phương và Vườn Quốc gia Pù Mát không chỉ để tiến hành các hoạt động cứu hộ động vật hoang dã từ buôn bán trái phép và tái thả chúng về môi trường sống phù hợp, mà từ đó còn phổ biến chương trình Đi và Khám phá cho các em học sinh đến tham quan tại đây. Qua ba năm học từ 2016 đến 2018 đã có gần 7000 trẻ em xung quanh khu vực vùng đệm Vườn Quốc gia Cúc Phương lần đầu tiên được nhìn thấy các bạn động vật hoang dã.
Các em nhỏ đang khám phá thiên nhiên trong vườn thực vật tại Vườn Quốc gia Cúc Phương, hoạt động này thuộc dự án “Trao Bé Hạt Mầm” do Save Vietnam’s Wildlife tổ chức. Ảnh: Save Vietnam’s Wildlife.
Cũng được thành lập từ năm 2016, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia, dưới sự quản lý của Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), với sứ mệnh tạo dựng một tương lai, nơi con người sống hòa hợp với Mẹ Trái đất (Gaia) đã tổ chức những hoạt động giáo dục môi trường đầy sôi nổi ở khu vực miền Nam.
Với sự hỗ trợ của VUSTA, Gaia đã tiếp cận đến các trường học công lập, dân lập và quốc tế, tổ chức các hành trình trải nghiệm thiên nhiên độc đáo. Các chương trình do Gaia tổ chức không chỉ truyền tải khoa học một cách thụ động, mà còn thúc đẩy việc chủ động tiếp nhận ở người tham gia. Tổ chức này phối hợp với những trường học, cá nhân trong các chương trình trồng và giám sát rừng, nhằm giúp phục hồi quần thể các loài động vật hoang dã quý hiếm như Voi châu á, Sếu đầu đỏ… Người tham gia không chỉ trồng rừng, mà còn cùng Gaia nghiên cứu và giám sát của khu rừng của mình và theo dõi sự thay đổi, tác động của khu rừng tới hệ sinh thái.
“Gaia thường tổ chức những hoạt động giáo dục cho các bạn trẻ, đặc biệt là các em cấp
- Cuối tuần chúng mình thường tổ chức tour cho học sinh đến thăm khu du lịch Bửu Long để học về bướm và một số loài chim. Ngoài ra, chúng mình còn tổ chức đưa học sinh đến Cần Giờ trồng rừng ngập mặn nữa.” Thu Thủy, tình nguyện viên của Gaia chia sẻ.
Còn với Trung tâm GreenViet, họ đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng tổ chức những buổi chia sẻ cho các giáo viên giảng dạy bộ môn Sinh học và Ngữ văn trên địa bàn thành phố để cùng nhau ứng dụng lồng ghép kiến thức đa dạng sinh học vào bài dạy trên lớp, đưa ra đề xuất nhằm mang các kiến thức về Sơn Trà đến gần hơn với các em học sinh, mà tham gia những hoạt động của Nature Dance là một ví dụ. Từ năm 2013 đến nay, GreenViet đã đưa hơn 2.000 học sinh, sinh viên và người dân đến tham quan học tập trực tiếp tại Sơn Trà. GreenViệt cũng đã tổ chức các hoạt động giáo dục thiên nhiên cho hơn 15.000 học sinh trong thành phố Đà Nẵng thông qua các đợt triển lãm và các bài nói chuyện về đa dạng sinh học.
Không chỉ có Nature Dance, Đi và Khám phá, Trải nghiệm Thiên nhiên, Gaia… các chương trình giáo dục môi trường khác cũng đang được đẩy mạnh, như chương trình Bảo tồn Rùa biển, hay sắp tới là Giáo dục về bảo tồn và phúc lợi động vật của tổ chức WildAct. Giới trẻ cũng có những chương trình giáo dục giúp xây dựng dự án như Trại Thủ lĩnh Khí hậu của tổ chức CHANGE, Trường học mùa Đông về phát triển bền vững vừa được tổ chức ở Quy Nhơn, khóa học bảo tồn thú linh trưởng hằng năm…
Các em tự quyết
Nhà tự nhiên học người Anh, David Attenborough – người gắn liền tên tuổi với những thước phim truyền hình sống động và chân thực về cuộc sống tự nhiên – đã vấp phải rất nhiều chỉ trích trong suốt sự nghiệp của mình. Các nhà phê bình cho rằng ông chỉ tập trung vào phác họa cái đẹp của thiên nhiên mà bỏ quên sự tàn phá của con người, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Ngược lại, ông cho rằng: “Chúng ta không thể làm ra một chương trình mà chỉ đơn giản là nói „thế giới đang lâm nguy‟. Bởi vì người xem sẽ ậm ờ „biết rồi, biết rồi‟ và chuyển sang xem kênh khác. Nhưng bằng cách chiếu những thước phim về các kỳ quan thiên nhiên hùng vĩ, đầy ấn tượng,” chúng ta sẽ khơi gợi trong người xem cảm giác muốn bảo vệ những vẻ đẹp ấy, “và đó là cách mà chúng tôi đang thực hiện.”
Đó cũng là cách mà hầu hết những tổ chức giáo dục hiện nay đang hướng đến. Những nhà hoạt động vì môi trường hằng ngày vẫn lặng thầm lên kế hoạch, tỉ mỉ tổ chức những hoạt động vừa và nhỏ để truyền tải cho các em học sinh về tình yêu thiên nhiên một cách nhẹ nhàng, không mang nặng tính hàn lâm, bởi họ tin rằng nhận thức của thế hệ tương lai đang được nâng cao, từng ngày.
Dẫu biết rằng biến đổi khí hậu đang diễn ra, nguồn tài nguyên được đánh giá là “rừng vàng biển bạc” đang dần cạn kiệt, những sự kiện ô nhiễm lớn diễn ra như những nhà máy nhiệt điện với lượng xả thải khổng lồ, đập thủy điện tác động đến hạ lưu, những nhà máy xử lý không đạt chuẩn gây ảnh hưởng trên diện rộng; thì trong những cánh rừng, các em học sinh vẫn đang học cách yêu thương, kết nối, hòa vào thiên nhiên và các loài động vật tự nhiên.
Không hô hào khẩu hiệu, không vận động phong trào mang tính hình thức. Bằng việc giúp các em học sinh hiểu được rằng khi sự đa dạng sinh học mất đi, chúng ta sẽ không có không khí để thở hay nước sạch để uống, các em cũng sẽ hiểu: Giờ đây, quyền tự quyết đã được trao cho mỗi người trong số chúng ta.