Ngày 12/4/2018, tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) và Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã có buổi làm việc và ký kết Biên bản hợp tác triển khai nội dung về SHTT. Theo đó, Cục SHTT sẽ hỗ trợ ĐHQGHN thúc đẩy hoạt động SHTT, phát triển sản phẩm trí tuệ hướng tới chuyển giao công nghệ và thương mại hóa; hợp tác nâng cao năng lực quản lý tài sản trí tuệ và hoạt động SHTT cho cán bộ quản lý tại ĐHQGHN.

ĐHQGHN là cơ sở giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu của Việt Nam, nơi có nhiều tiềm năng phát triển các hoạt động SHTT, từ việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và có số lượng công bố quốc tế ISI lớn. Tuy vậy, số lượng đăng ký sáng chế, hoạt động thương mại hóa tài sản trí tuệ còn khiêm tốn. Đây cũng là bối cảnh chung của các trường và viện nghiên cứu ở Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐHQGHN, là một tổ chức giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học có nhiều công trình khoa học được công bố quốc tế, nên vấn đề SHTT đang trở thành vấn đề cấp bách với ĐHQGHN. Mặc dù đã tổ chức một số khóa đào tạo về SHTT, nhưng công tác quản lý hoạt động SHTT của ĐHQGHN còn nhiều bất cập, nhận thức của cán bộ quản lý và các nhà khoa học về SHTT còn hạn chế, số lượng đơn đăng ký và bằng độc quyền sáng chế còn thấp, hiệu quả thương mại hóa chưa cao… Do vậy, ĐHQGHN mong muốn thúc đẩy hơn nữa hoạt động SHTT, phát triển các sản phẩm trí tuệ có khả năng thương mại hóa. ĐHQGHN đề nghị Cục SHTT hỗ trợ để nâng cao năng lực quản lý tài sản trí tuệ và hoạt động SHTT cho cán bộ quản lý tại ĐHQGHN.

Mặc dù các trường đại học, viện nghiên cứu đóng vai trò quan trọng trong hệ thống nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo quốc gia, nhưng thực tế số lượng tài sản trí tuệ còn hạn chế. Nguyên nhân được ông Tích chỉ ra là do các trường, viện nghiên cứu đang phụ thuộc quá nhiều vào nguồn kinh phí của nhà nước, chưa huy động được nguồn tài chính khác, đặc biệt là của doanh nghiệp. Đa số các nghiên cứu trong trường đại học được thực hiện từ ngân sách nhà nước, sử dụng trang thiết bị phòng thí nghiệm của trường, nhưng các kết quả nghiên cứu chưa được đăng ký bảo hộ SHTT cũng như thương mại hóa. Cục SHTT sẽ tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý, cũng như hỗ trợ thúc đẩy hoạt động SHTT, phát triển tài sản trí tuệ trong trường đại học, viện nghiên cứu hướng tới mục tiêu thương mại hóa và chuyển giao công nghệ, trong đó tập trung hỗ trợ ĐHQGHN và ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh. Trong thời gian tới, Cục SHTT sẽ hỗ trợ ĐHQGHN triển khai một số hoạt động liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiên cứu cứu khoa học về sở hữu trí tuệ; sử dụng, khai thác thông tin sở hữu công nghiệp; tăng cường quản lý SHTT và phát triển tài sản trí tuệ.

NASATI