Trong khoảng thời gian từ 2014 – 2017, nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu triển khai khu công nghệ cao do PGS.TS. Nguyễn Văn Hiếu dẫn đầu, đã thực hiện dự án: “Hoàn thiện công nghệ chế tạo chip led cực tím (UVLED) cho ứng dụng diệt vi khuẩn nước sinh hoạt và đo nồng độ ôzôn trong không khí”.

Một số kết quả của dự án nghiên cứu:

  • Dự án đã hoàn tất các nội dung nghiên cứu (qua các chuyên đề) và các quy trình công nghệ. Sản phẩm có số lượng và thông số kỹ thuật vượt đạt và yêu cầu so với Hợp đồng ban đầu.
  • Các sản phẩm công nghệ và thiết bị /máy (5 máy nước nóng lạnh và 2 máy đo nồng độ ozone) đều được chứng nhận bởi cơ quan chức năng.
  • Sản phẩm máy/thiết bị được triển khai lắp đặt và sử dụng thử nghiệm tại doanh nghiệp và đo lường tại các khu công nghiệp.
  • Hình thành nhóm nghiên cứu liên ngành, nhiều trường – viện và có kết quả hợp tác quốc tế.

Dự án đã khẳng định khả năng làm chủ công nghệ tính toán cấu trúc tối ưu và chế tạo chip/linh kiện UVLED trong vùng bước sóng cực tím. Các sản phẩm linh kiện này được ứng dụng cho 2 máy/thiết bị hữu ích cho đời sống vì cung cấp nước sạch – an toàn và thêm 1 thiết bị để khảo sát chất lượng môi trường trong điều kiện phát triển kinh tế xanh và bền vững hiện nay.

Do các chip UVLED được chế tạo bằng công nghệ MOCVD sử dụng hợp chất của nitrit (kim loại hữu cơ có khe năng lượng cao) nên bước sóng phát xạ nhọn, phát xạ năng lượng cao có ích cho các ứng dụng kích thích hay quang hóa. Bên cạnh đó, tuổi thọ của UVLED cao nên giảm bớt chất thải rắn ảnh hưởng đến môi trường.

Thiết bị nước uống nóng – lạnh công nghệ RO và UVLED chưa có trên thị trường nước ta và khu vực châu Á nên sẽ là sản phẩm “thân thiện và cần thiết” đối với các gia đình và trường học hay khu công cộng để phục vụ nước uống khi giá thành hợp lý.

Với hai sản phẩm này, doanh nghiệp có thể đưa ra thị trường sau khi hoàn chỉnh kiểu dáng và đăng ký quy trình, SHTT và nhãn hiệu với nhãn hiệu sản phẩm theo chương

 

trình phát triển công nghệ cao và xuất xứ Việt Nam. Do đó, sản phẩm của dự án sẽ có hiệu quả kinh tế cao.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14585/2017) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

P.K.L (NASATI)