Đông trùng hạ thảo là một vị thuốc quý hiếm được sử dụng lâu đời trong y học cổ truyền Trung Quốc. Tuy nhiên, do khai thác quá mức, nên Đông trùng hạ thảo tự nhiên đang cạn kiệt và được Cơ quan quản lý CITES Trung Quốc đưa vào danh mục các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Trong những năm trở lại đây, Đông trùng hạ thảo – loài C. militaris đã được nghiên cứu nuôi trồng là một giải pháp cung cấp cho người tiêu dùng. Ở Việt Nam, loài C. militaris đã được nghiên cứu và nuôi trồng ở nhiều địa phương như Hòa Bình, Quảng Ninh, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… Sa Pa là địa phương được thiên nhiên ưu đãi với độ cao từ 1500-1800 m, có thời tiết khí hậu ôn đới, mát mẻ quanh năm cùng hệ thực vật đa dạng, đa dạng về thành phần các loài chi Cordyceps trong đó có loài C. militaris. Từ các yếu tố thuận lợi của điều kiện tự nhiên, việc nghiên cứu nuôi trồng và đa dạng hoá sản phẩm từ Đông trùng hạ thảo (C. militaris) tại Sa Pa là cần thiết.

Do đó, nhóm nghiên cứu công ty Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Traphacosapa do Dược sỹ Lê Quân làm chủ nhiệm đã đề xuất và được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt thực hiện dự án: “Hoàn thiện quy trình sản xuất một số sản phẩm bảo vệ sức khỏe từ nấm Đông trùng hạ thảo (C. militaris) tại huyện Sa Pa – tỉnh Lào Cai”.

Sau một thời gian triển khai, Dự án đã thực hiện đúng tiến độ và hoàn thành nội dung các công việc theo đúng thuyết minh và hợp đồng đã cam kết:

1. Hoàn thiện Quy trình nhân giống nấm ĐTHT (C. militaris) tại Sa Pa, đáp ứng đủ nguồn giống phục vụ sản xuất quy mô công nghiệp của công ty (40.000 lọ/năm).

2. Hoàn thiện được Quy trình nuôi trồng nấm ĐTHT (C. militaris) tại Sa Pa, đáp ứng đủ nguồn giống phục vụ sản xuất quy mô công nghiệp của công ty (40.000 lọ/năm)

3. Hoàn thiện Quy trình sơ chế và bảo quản nấm ĐTHT (C. militaris) tại Sa Pa, đảm bảo chất lượng sản phẩm dược liệu ĐTHT sau thu hoạch.

4. Xây dựng được Quy trình sản xuất cao (quy mô 20 kg/lô) và viên nang cứng từ ĐTHT (C. militaris) (100.000 viên/lô), đảm bảo chất lượng sản phẩm cao dược liệu và tiêu chuẩn viên nang cứng.

5. Đào tạo được nguồn nhân lực (50 người) đáp ứng việc nghiên cứu, sản xuất và phân phối sản phẩm.

6. Sản xuất được 1050 kg quả thể ĐTHT tươi đạt tiêu chuẩn (Cordycepin > 8 mg/g khô; Adenosin > 0,1 mg/g khô) và được đăng ký lưu hành.

7. Sản xuất được 42,6 kg cao ĐTHT đạt tiêu chuẩn (Định lượng: Cordycepin > 20 mg/g cao; Adenosin > 1,0 mg/g cao) và được đăng ký lưu hành

8. Sản xuất được 102.000 viên nang ĐTHT (350mg bột ĐTHT/viên) đạt tiêu chuẩn (Cordycepin > 2,8 mg/viên; Adenosin > 0,035 mg/viên) và được đăng ký lưu hành.

Như vậy, nhóm đề tài đã nuôi trồng thành công Đông trùng hạ thảo trong điều kiện bán tự nhiên tại Sa Pa. Viên nang Đông trùng hạ thảo Sa Pa có tác dụng tăng cường hoạt tính oestrogen và androgen trên động vật thực nghiệm theo mô hình hướng dẫn của OECD. Kết quả đề tài không chỉ có ý nghĩa khoa học mà có còn có tính thực tiễn cao, đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 18480/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

P.T.T (NASATI) vista.gov.vn