Việt Nam là quốc gia đứng thứ năm thế giới về xuất khẩu chè, nhưng khoảng 90% sản lượng chè của nước ta xuất khẩu ở dạng thô, giá bán thấp và được tiêu thụ dưới thương hiệu của các nhà nhập khẩu.Trong bối cảnh cung vượt cầu, nếu không nâng cao giá trị xuất khẩu, ngành chè sẽ còn phải đối mặt với nhiều thách thức.
Tuyên Quang có diện tích trồng chè trong toàn tỉnh đạt hơn 8.700 ha; năng suất chè búp tươi cũng tăng trưởng đều qua từng năm, từ 72,7 tạ/ha nay đã tăng lên 80,4 tạ/ha. Tổng sản lượng chè búp tươi đạt hơn 65.600 tấn (tăng gần 3.500 tấn so với thời điểm năm 2014) và đạt 93% so mục tiêu đến năm 2020. Nhờ đó, giá trị sản xuất từ cây chè chiếm 7,64% trong tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt của tỉnh. Bên cạnh đó, đối với tỷ lệ cơ cấu các giống chè của tỉnh cũng có sự thay đổi theo hướng tích cực. Đáng chú ý, từ khi tích cực thực hiện tái cơ cấu ngành chè theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với việc xây dựng thương hiệu, các đơn vị trồng chè đã luôn chú trọng đề cao quy trình sản xuất sạch đặc biệt là chè xanh.
Chè viên là một loại chè xanh dạng viên đặc sản của Trung Quốc có giá xuất khẩu đạt từ 200-300 nhân dân tệ/kg.Trong cơ cấu các giống chè mới của Việt Nam có nhiều giống chè thích hợp cho sản xuất chè xanh đạt chất lượng tương đương chè của Trung Quốc như LDP1, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên. Nhằm đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao được giá trị kinh tế trong sản xuất và xuất khẩu, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong chế biến để phát triển sản xuất chè xanh dạng viên ở Tuyên Quang là hướng thiết thực để góp phần xây dựng thương hiệu chè đặc sản giá trị cao, chất lượng tốt của tỉnh Tuyên Quang nói chung và của Công ty Cổ phần Chè Sông Lô nói riêng. Đối với sản xuất và tiêu thụ chè xanh ở nước ta hiện nay, mô hình phổ biến là mô hình sản xuất nhỏ.Hiện nay, cả nước có trên 600 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chè vừa và nhỏ.Ngoài ra còn khoảng hơn 1 vạn hộ gia đình tham gia sản xuất chè xanh với các thiết bị chế biến thủ công và bán thủ công.Năng lực chế biến của các lò thủ công chiếm tới 50% tổng sản lượng chè xanh. Nhưng do thiết bị chế biến lạc hậu, chắp vá, công nghệ sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm vùng, miền, nên sản phẩm chè xanh trong nước có chất lượng không đồng đều, và đơn điệu mẫu mã, chủng loại, khó đảm bảo an toàn thực phẩm. Do đó, việc đầu tư máy thiết bị, nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới nhằm đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm chè xanh nhằm đáp ứng tốt nhu cầu thị trường là đặc biệt có ý nghĩa.
Xuất phát từ những vấn đề trên, Trường cao đẳng công nghiệp thực phẩm do ThS. Phùng Trọng Thọ đứng đầu đã tiến hành thực hiện dự án: “Hoàn thiện quy trình sản xuất và phát triển sản phẩm mới chè xanh viên nén phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu”nhằm phát triển sản phẩm chè xanh dạng mới, đa dạng hóa sản phẩm, để góp phần nâng cao giá trị sản phẩm chè xanh của Việt Nam nói chung và của Tuyên Quang nói riêng trên thị trường trong nước và thế giới.
Qua những nghiên cứu và triển khai sản xuất thử nghiệm tại Công ty chè Sông Lô. Dự án đã sản xuất thành công sản phẩm chè xanh viên nén ở quy mô 5 tấn nguyên liệu/ngày. Chất lượng sản phẩm của dự án tốt, ổn định, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã được các cơ quan có thẩm quyên chứng nhận và công bố tiêu chuẩn chất lượng cơ sở. Bước đầu được người tiêu dùng đánh giá cao bởi chất lượng và tính mới của sản phẩm.
Dự án đã đạt được những mục tiêu đề ra ban đầu như sau:
- Đã lựa chọn được nguyên liệu từ giống chè LDP1 làm nguyên liệu cho dự án.
- Đã hoàn thiện công nghệ sản xuất chè xanh viên nén ở quy mô thực nghiệm và chiển khai sản xuất thử nghiệm, ứng dụng được vào trong thực tiễn sản xuất. Sản phẩm đã được công ty CP chè Sông Lô công bố tiêu chuẩn cơ sở số: TCCS 01:2019/CXVN ngày 05 tháng 4 năm 2019.
- Đã lựa chọn được thiết bị và mô hình hóa được dây chuyền thiết bị sản xuất chè xanh viên nén ở quy mô 5 tấn nguyên liệu/ngày, dựa trên các thiết bị, nhà xưởng hiện có của doanh nghiệp và dự kiến thiết bị của dự án.
- Các sản phẩm đã hoàn thiện bao bì, nhãn mác; bước đầu xây dựng thương hiệu và thâm nhập thị trường tiêu thụ.
- Đã chuyên đào tạo được 05 cán bộ kỹ thuật, 20 công nhân về công nghệ sản xuất chè xanh viên nén cho công ty chè Sông Lô.
Nhóm thực hiện dự án đề nghị Bộ Công Thương và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tuyên Quang đầu tư những thiết bị còn thiếu, giúp công ty chè Sông Lô có điều kiện hoàn thiện dây chuyền thiết bị theo dự kiến của dự án, để công ty có điều kiện triển khai, nhân rộng mô hình của dự án đồng, thời có thể mở rộng đầu tư hỗ trợ cho một số doanh nghiệp sản xuất chè khác.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 17390/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Nguồn: vista.gov.vn