Lãnh đạo Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh trao giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN cho 4 doanh nghiệp
Ngày 12/10/2022, Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị “Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ trong cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo”. Sự kiện này nằm trong chuỗi các hoạt động quan trọng của Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số TP Hồ Chí Minh năm 2022.
Báo cáo tại Hội nghị cho biết trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện có 111 doanh nghiệp khoa học và công nghệ được cấp giấy chứng nhận. Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện chứng nhận là trên 700 doanh nghiệp. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển mạng lưới doanh nghiệp khoa học và công nghệ còn rất lớn. Cùng với đó, Thành phố có 36 cơ sở ươm tạo, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, 13 không gian làm việc chung, hơn 100 trường đại học và cao đẳng có hoạt động đổi mới sáng tạo, khoảng 2.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Theo Bà Chu Vân Hải, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh, đây được xem là nguồn phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ cần được chú ý thúc đẩy phát triển để xây dựng một hệ sinh thái hoạt động mạnh và có chất lượng, qua đó hình thành ngày càng nhiều các doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho Thành phố.
Tại Hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, TP Hồ Chí Minh hiện đang có tiềm năng lớn trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ được cấp giấy chứng nhận cho tới thời điểm này còn rất khiêm tốn. Nguyên nhân một phần do việc đăng ký trở thành doanh nghiệp khoa học công nghệ có những khó khăn nhất định. Để được công nhận, doanh nghiệp phải chứng minh quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ; giải trình quá trình ươm tạo và làm chủ khoa học công nghệ. Điều này không phải doanh nghiệp nào cũng làm được và sẵn sàng chia sẻ bí quyết công nghệ. Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp khoa học công nghệ sau khi thành lập và hoạt động đã không phát huy được lợi thế cạnh tranh từ việc ứng dụng công nghệ mới cùng các chính sách ưu đãi; do vậy không đáp ứng các điều kiện doanh thu theo quy định và dẫn đến không đủ điều kiện hưởng chính sách ưu đãi, thậm chí hoạt động cầm chừng, loay hoay, lúng túng trong quản trị doanh nghiệp nên rất khó phát triển.
Về hỗ trợ doanh nghiệp tại Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao, các doanh nghiệp khi tham gia chương trình ươm tạo được hưởng nhiều lợi ích và thuận lợi hơn rất nhiều khi đăng ký doanh nghiệp khoa học công nghệ. Để có thể hỗ trợ hiệu quả, nhiều chuyên gia cho rằng Vườn ươm cần dựa trên phân tích những khó khăn, thuận lợi khi một doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp khoa học công nghệ và đồng hành cùng doanh nghiệp hạn chế những vướng mắc, phát huy tốt việc áp dụng những chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp khi tham gia ươm tạo đều sẽ đăng ký thành công ít nhất một tài sản sở hữu trí tuệ trong năm đầu tiên.
Các chuyên gia cũng cho rằng, để phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, các cơ sở ươm tạo cần kết nối với các cơ quan, ban, ngành để kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp hiểu rõ, hiểu đúng những tiêu chí cần có để nhận được các chính sách ưu đãi. Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng cần quan tâm đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị, chủ động hợp tác với các tổ chức khoa học công nghệ, các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước để nâng cao năng lực…
Nhân dịp này, Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh đã trao giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ cho 4 doanh nghiệp là: Công ty Trách niệm hữu hạn Gia Thái Doctorloan, Công ty cổ phần Bê tông Đường Thủy và Công ty Trách niệm hữu hạn Lavite, Công ty cổ phần Khoa học kỹ thuật Phượng Hải.
P.A.T (Tổng hợp)