(Theo NASATI) – Ngày 18/10/2017, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Tin học Việt Nam, Hiệp hội Internet Việt Nam, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư quốc tế ngành TT&TT Việt Nam năm 2017 (Vietnam ICT Investment Forum – VIF 2017). Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự và phát biểu tại Hội nghị.
Với chủ đề “Thu hút đầu tư trong tiến trình chuyển đổi kinh tế số”, VIF 2017 thu hút 500 đại biểu đến từ các DN, các nhà quản lý, các chuyên gia quốc tế… đánh giá tiềm năng và cơ hội phát triển kinh tế số ở Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Hội nghị tập trung thảo luận về sự chuyển đổi kinh tế số là yếu tố hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của một quốc gia, nền tảng để tăng năng suất cho các ngành nghề kinh tế khác. Đồng thời, kinh tế số tạo ra các cơ hội đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp và phương thức tiếp cận thị trường mới.
Trong quá trình thu hút đầu tư, Việt Nam đã trở thành điểm đến của các nhà đầu tư CNTT&TT nước ngoài. Năm 2016, tổng doanh thu trong lĩnh vực công nghiệp CNTT đạt 67,693 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 60,789 tỷ USD, trong đó các nhà đầu tư nước ngoài chiếm tỉ trọng lớn. Để Việt Nam tiếp tục trở thành điểm đến của đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực CNTT&TT thì việc rà soát và cập nhật chính sách thu hút đầu tư cần trở thành một nội dung quan trọng trong tiến trình số hóa của quốc gia. VIF 2017 đã đưa ra các khuyến nghị đối với chính sách thông tin-truyền thông và các chính sách liên quan của Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu đầu tư, kinh doanh trong nền kinh tế số. Trong đó, rà soát lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp đa quốc gia, các quy định quản lý nhà nước trong việc thúc đẩy đầu tư đối với các doanh nghiệp số trong nước. Đặc biệt là đánh giá tiềm năng thị trường kinh tế số của Việt Nam. Nhìn nhận các mô hình kinh doanh mới trên nền tảng số, như mô hình kinh tế chia sẻ và đưa ra các biện pháp thúc đẩy thị trường trong các lĩnh vực của nền kinh tế số như: Thương mại điện tử, khởi nghiệp sáng tạo, kinh tế chia sẻ và các dịch vụ đô thị thông minh. Từ đó phân tích cơ hội và thách thức trong việc thu hút đầu tư trong kinh tế số tại Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh CNTT&TT đang ngày càng giữ vai trò có tính nền tảng trong tất cả các ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội. Ở Việt Nam, đầu tư vào CNTT&TT bắt đầu ngay từ những ngày đầu thực hiện đổi mới, mở cửa, được đánh dấu bằng “sự đổi mới rất mạnh mẽ dựa vào số hoá bắt đầu từ ngành bưu điện”. “Ngày hôm nay, ở Việt Nam, CNTT&TT đã đi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, nền kinh tế Việt Nam. Trong đó có đóng góp quan trọng của những dự án đầu tư vào ngành bưu điện cách đây hàng chục năm đến những dự án mới đây của các tập đoàn như Samsung”.
Điều quan trọng, theo Phó Thủ tướng, trong thời gian tới, tiềm năng, cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực CNTT&TT ở Việt Nam còn rất lớn. Bởi Việt Nam có quy mô thị trường xấp xỉ 100 triệu dân, đang ở thời kỳ “dân số vàng” với 60% dưới 35 tuổi, 52% người dân sử dụng Internet. “Trong khi doanh thu thương mại điện tử cả thế giới chiếm xấp xỉ 8% tổng doanh thu của ngành bán lẻ thì ở Việt Nam, con số này mới khoảng trên 3%. Chỉ riêng chỉ số này đã cho thấy tiềm năng vô cùng lớn của thị trường CNTT&TT của Việt Nam”, Phó Thủ tướng nêu ví dụ.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020 cũng là cơ hội để tăng tỉ lệ, số lượng DN hoạt động trong lĩnh vực CNTT&TT, đồng thời thúc đẩy những ngành, lĩnh vực khác. “Đầu tư vào ngành CNTT&TT còn thúc đẩy đầu tư vào các ngành, lĩnh vực kinh tế khác. Đồng thời, mở ra những cơ hội để DN hoạt động bền vững, theo đúng luật pháp, có thêm nhiều dự án đầu tư”, Phó Thủ tướng nói.
Đề cập đến thách thức trong vấn đề tăng năng suất quốc gia là phải giải quyết, chuyển đổi ngành nghề cho trên 40% lao động ở nông thôn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định phải tận dụng CNTT&TT nhằm tạo thêm nhiều DN ứng dụng các công nghệ mới, đào tạo hiệu quả nhân lực lao động.
Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, trong đó đặc biệt là Bộ TT&TT, trước hết rà soát lại toàn bộ các quy định về pháp luật để tạo môi trường thông thoáng nhất cho các DN đầu tư vào lĩnh vực CNTT&TT. “Tinh thần là phải làm sao tận dụng thật tốt thế mạnh của CNTT, nguồn lực kinh tế số. Tạo điều kiện để mọi người cùng chia sẻ và sử dụng tốt hơn nguồn lực. Tất cả DN vừa và nhỏ, cực nhỏ có thể khởi nghiệp, lập nghiệp, chuyển đổi nghề nghiệp bằng công cụ CNTT”, Phó Thủ tướng nói và lưu ý tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng nhưng phải bền vững.
Phó Thủ tướng chia sẻ với Hội nghị là cần tạo lập hệ sinh thái thuận lợi để các DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ có thể phát triển. Bên cạnh con người, trong nền kinh tế số hiện nay, một trong những nguồn lực vô cùng quan trọng là dữ liệu. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ KH&CN phối hợp các bộ, ngành quyết tâm triển khai dự án rất cụ thể để tất cả các nguồn dữ liệu hiện nay đang nằm rải rác ở các cơ quan nhà nước, ở khắp các ngành, các cấp, các cơ quan nghiên cứu và trong cộng đồng được tập hợp lại. Đây là dữ liệu mở, tài nguyên chung để mọi người khai thác, cùng tìm ra cơ hội phát triển. Chỉ có bằng những việc cụ thể như vậy chúng ta mới có thể nắm bắt được những cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại.