Ngày 22/10/2020, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Xây dựng đồng chủ trì, phối hợp các bộ, ngành Trung ương và địa phương, cơ quan liên quan tổ chức “Diễn đàn cấp cao và Triển lãm về đô thị thông minh ASEAN năm 2020” với chủ đề “Đô thị thông minh – Hướng tới cộng đồng, bản sắc và phát triển bền vững vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”. Đây là một trong những sự kiện về đô thị thông minh lớn và có tầm ảnh hưởng nhất trong khu vực và có ý nghĩa quan trọng trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam. Trong khuôn khổ của diễn đàn đã diễn ra Phiên hội thảo chuyên đề “Phát triển hạ tầng số và công nghệ số nền tảng cho đô thị thông minh” theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.
Tới dự hội thảo có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, địa phương, bao gồm: ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Nguyễn Huy Dũng – Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Đinh Sỹ Nguyên – Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh và đông đảo đại diện các cơ quan, tổ chức quốc tế và các diễn giả, đại biểu đến từ các tổ chức, doanh nghiệp, các hiệp hội, viện nghiên cứu, trường đại học trong nước và quốc tế, các nhà tài trợ và đại diện của các cơ quan truyền hinh, thông tấn báo chí.
Ngày nay, hạ tầng số và công nghệ số có vai trò vô cùng quan trọng trong đô thị thông minh bởi nếu coi “đô thị thông minh” như một cơ thể người thì các công nghệ số như trí tuệ nhân tạo sẽ là bộ não, hạ tầng điện toán đám mây sẽ đóng vai trò là trí nhớ, các hệ thống cảm biến là các giác quan và mạng viễn thông là hệ dây thần kinh.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, ông Bùi Thế Duy nhấn mạnh thực trạng khó khăn, những biến động tiêu cực mà nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang phải trải qua trước các vấn đề về biến đổi khí hậu và dịch bệnh. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đã đặt ra những thách thức chưa từng có, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của hầu hết mọi người dân trên thế giới hay ảnh hưởng nghiêm trọng từ thiên tai, mưa bão, lũ lụt dẫn đến hư hỏng cơ sở vật chất, hạ tầng cho đến thiệt hại người và của, tác động xấu tới đời sống của người dân miền Trung ở Việt Nam.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh vai trò to lớn của công nghệ thông tin, truyền thông, công nghệ số, hạ tầng viễn thông với sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng trong những năm gần đây trong công tác phòng chống đại dịch cũng như những hoạt động cứu trợ người dân vùng lũ, góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế-xã hội, đặc biệt là nền tảng cho người dân, giúp cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn trong rất nhiều lĩnh vực: sinh sống, học tập và làm việc. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đánh giá cao nỗ lực và quyết tâm của các địa phương trong triển khai các hoạt động chuyển đổi số, họp trực tuyến, dạy học trực tuyến chỉ trong vòng 2 tháng khi đại dịch Covid19 xảy ra. Điều này thể hiện sự phát triển rõ rệt của hạ tầng viễn thông, cũng như ứng dụng các nền tảng công nghệ số của Việt Nam, đặc biệt là trong xu thế phát triển thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển của công nghệ số, giúp phát triển hạ tầng đô thị, thậm chí là cả khu vực nông thôn. Qua đó cho thấy, phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam hướng đến mục tiêu rất rõ ràng, đó là mang lại một cuộc sống tốt đẹp, thuận tiện, sự phát triển kinh tế – xã hội mạnh mẽ hơn từ những nhu cầu đơn giản nhất.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe 6 bài tham luận của đại diện một số tổ chức và các nhà tư vấn doanh nghiệp hàng đầu thế giới như: công ty bán dẫn toàn cầu của Mỹ Qualcomm, công ty tư vấn quản lý quốc tế hàng đầu McKinsey&Company, công ty công nghệ đa quốc gia Amazon, tập đoàn công nghệ Bosch… Nội dung của các bài tham luận chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực then chốt trong xây dựng và phát triển đô thị thông minh bao gồm: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và IoT trong xây dựng thành phố thông minh; Hạ tầng số – Xương sống trong phát triển đô thị thông minh; Một số nền tảng và ứng dụng thúc đẩy chuyển đổi số trong đô thị thông minh tại Việt Nam; Xây dựng đô thị thông minh với công nghệ điện toán đám mây; Giải pháp IoT toàn diện cho đô thị thông minh và Thiết lập và vận hành hệ thống dữ liệu tích hợp mở cho đô thị thông minh.
Sau phần tham luận là phiên thảo luận được điều phối bởi đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông. Phiên thảo luận là cơ hội để các chuyên gia và các đại biểu trao đổi và chia sẻ về các sáng kiến, giải pháp và khuyến nghị về phát triển hạ tầng số và công nghệ số nền tảng cho đô thị thông minh: Phát triển nền tảng dùng chung cho phát triển đô thị thông minh và chính phủ điện tử; Xây dựng kiến trúc dữ liệu và hệ thống dữ liệu liên thông; Tổ chức thu thập, lưu trữ và phân tích dữ liệu cho thành phố; Chiến lược phát triển mạng wifi cho đô thị thông minh; Trung tâm điều hành tập trung đô thị thông minh; Các ứng dụng và giải pháp công nghệ quản lý hạ tầng đô thị.
Hội thảo được kỳ vọng là diễn đàn hữu ích giúp các cơ quan tham mưu của Đảng, các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp thảo luận về định hướng, các giải pháp thúc đẩy phát triển hạ tầng số và công nghệ số nền tảng cho đô thị thông minh, từ đó, hoàn thiện khung kế hoạch, hệ thống pháp lý, nâng cao năng lực quản lý, cải thiện chất lượng cuộc sống, phát huy hiệu quả các hoạt động và dịch vụ của đô thị.
P.K.L (NASATI)