Cây cacao du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, được trồng rộng rãi ở nhiều nơi, trong đó Đắk Lắk được đánh giá là vùng đất có điều kiện lý tưởng nhất, giống cây này được trồng nhiều tại các huyện Ea Kar, Krông Ana, Ea H’leo, Krông Păk của Đắk Lắk. Tổ chức Cacao thế giới (ICCO) đã đưa Việt Nam vào danh sách những nước sản xuất cacao hương vị tốt hàng đầu thế giới.
Theo Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh hiện có trên 2.000ha diện tích trồng cây ca cao, năng suất bình qun đạt 10 tạ/ha sản lượng hàng năm đạt 2.000 tấn, trồng và sản xuất ca cao thương phẩm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk là một điểm sáng trong những năm qua.
Hiện nay ở Đắk Lắk có hơn 5 cơ sở, doanh nghiệp chế biến ca cao, phần lớn các cơ sở được tổ chức sản xuất theo mô hình hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp thu mua chế biến. Ví dụ như mô hình hợp tác xã trồng và sản xuất ca cao Eakar tại huyện Eakar, Đắk Lắk được thành lập vào năm 2012, hiện nay hợp tác xã có tổng cộng 65 xã viên, 189 thành viên liên kết, diện tích trồng ca cao đạt 250ha trong đó 180ha kinh doanh, còn lại là kiến thiết cơ bản, sản lượng đạt 220 tấn/năm.
Hợp tác xã được trang bị đầy đủ những máy móc cần thiết như: Máy rang, máy bóc vỏ, máy nghiền bột nhão, máy ép bơ, máy nghiền bột khô, và máy dập ngày tháng. Ngoài việc bán lẻ tại các cửa hàng và trên các website, thì hợp tác xã chủ yếu xuất khẩu hạt cacao khô lên men sang thị trường Nhật Bản với sản lượng xuất khẩu trong quý đầu của năm 2022 đạt 13 tấn. Các sản phẩm chú ý của hợp tác xã gồm: Bột cacao nguyên chất, chocolate, cacao 3 trong 1, rượu cacao lên men, mỹ phẩm làm từ cacao…
Dù Đắk Lắk có điều kiện thuận lợi để phát triển từ khí hậu, thổ nhưỡng, cây giống cho đến chính sách, nhưng do định hướng phát triển cây cacao của tỉnh không phù hợp, quỹ đất để phát triển cây cacao không còn nhiều, chủ yếu là trồng xen quy mô nông hộ, nên chưa thu hút được nông dân gắn bó với loại cây này.
Do đó, cần giúp người nông dân giữ được vùng nguyên liệu này, duy trì mô hình liên kết sản xuất thông qua các hợp tác xã, doanh nghiệp để hình thành được chuỗi giá trị, phía các doanh nghiệp và hợp tác xã sản xuất cần áp dụng mô hình chuyển đổi số tại đơn vị của mình. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ về lĩnh vực quản lý, marketing để phát triển và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Đồng thời, cũng cần đầu tư vào hệ thống chế biến hiện đại, đáp ứng theo tiêu chuẩn quốc tế để có thể đưa các sản phẩm ca cao Việt Nam ra thị trường thế giới.
Triệu Cẩm Tú, (NASATI), tổng hợp 10/2022