(Truyenthongkhoahoc.vn) Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định ban hành hướng tới mục tiêu Việt Nam có thể chủ động tận dụng có hiệu quả các cơ hội của cuộc cách mạng này. Đây là chiến lược nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 52 ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị.
Tập trung nguồn lực cho nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công nghệ ưu tiên để chủ động tham gia CMCN 4.0
Theo đó, trong phần nhiệm vụ và giải giáp, Chiến lược ghi rõ Bộ Khoa học và Công nghệ: Điều chỉnh phân bổ ngân sách nhà nước về khoa học và công nghệ do bộ quản lý theo hướng tập trung nguồn lực cho nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công nghệ ưu tiên để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; ưu tiên nguồn lực triển khai một số chương trình nghiên cứu trọng điểm quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Bên cạnh đó là chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng và ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, dịch vụ theo thông lệ quốc tế tốt phục vụ việc tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; hợp tác với doanh nghiệp để bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với thực tiễn và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới.
Ngoài ra, Bộ KH&CN còn có trách nhiệm xây dựng mạng lưới các chuyên gia tư vấn về các công nghệ ưu tiên để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cấp, chuyển đổi công nghệ. Rà soát, kiến nghị sửa đổi các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ theo hướng đơn giản hóa về quy trình, thủ tục, phù hợp với thông lệ quốc tế.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm quán triệt và phổ biến tinh thần và nội dung của Chiến lược cho các đơn vị, doanh nghiệp tại địa phương. Đồng thời, xây dựng những chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về đào tạo, tư vấn chuyển giao công nghệ ưu tiên để chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0.
Đến năm 2025 có ít nhất 3 đô thị thông minh
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 đến năm 2030 là chủ động tận dụng có hiệu quả các cơ hội của CMCN 4.0, cơ bản làm chủ và ứng dụng rộng rãi công nghệ mới trong các lĩnh vực kinh tế xã hội, từng bước sáng tạo được công nghệ mới nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước.
Các hoạt động của lãnh đạo Đảng và Nhà nước thúc đẩy kết nối, phát triển CMCN 4.0 tại Việt Nam
Phát triển mạnh mẽ kinh tế số, phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi và sức khỏe của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế và gắn kết chặt chẽ quá trình ứng dụng CMCN 4.0 với công tác bảo vệ an ninh mạng.
Chiến lược cũng đề ra mục tiêu cụ thể cho các giai đoạn đến năm 2025 và đến năm 2030. Các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 gồm có: Duy trì xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Tổ chức sở hữu trí tuệ thuộc 3 nước dẫn đầu ASEAN; Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu (GCI) của Liên minh viễn thông quốc tế thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu; Chỉ số Chính phủ điện tử (EGDI) theo xếp hạng của Liên hợp quốc thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN; Kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP, năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm; Hạ tầng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; 80% dân số sử dụng Internet; 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%; có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm (Bắc, Trung, Nam) và triển khai mạng 5G tại các đô thị này.
7 định hướng trọng tâm
Tại Chiến lược mới ban hành, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, để chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0, bên cạnh việc thực hiện đầy đủ theo quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, chủ trương, chính sách của Nghị quyết 52-NQ/TW; theo mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết 50/NQ-CP và Quyết định 749/QĐ-TTg, còn cần tập trung vào 7 định hướng trọng tâm: Nâng cao chất lượng thể chế và năng lực xây dựng chính sách; Phát triển hạ tầng kết nối, xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu; Phát triển nguồn nhân lực; Xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; Phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia; Đầu tư, nghiên cứu, phát triển một số công nghệ ưu tiên để chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0; Mở rộng hợp tác quốc tế, hội nhập về khoa học và công nghệ, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ ưu tiên để chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0.
Trong đó, về phát triển nguồn nhân lực, theo Chiến lược, sẽ mở rộng, nâng cao chất lượng những chương trình đào tạo đại học, sau đại học và đào tạo nghề, đặc biệt trong các ngành phục vụ CMCN 4.0.
Bên cạnh đó, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông theo hướng tăng hoạt động thực hành, nhất là giáo dục về khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học (STEM). Xây dựng chương trình thực tập trong các trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; tăng cường kết nối nghiên cứu khoa học, đào tạo và sản xuất kinh doanh.