Theo một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Stem Cells, nhóm các nhà khoa học dẫn đầu bởi GS. James Monaghan chuyên ngành sinh vật học, Đại học Northeastern đã phát hiện ra khả năng đáng kinh ngạc của loài kỳ nhông Axolotl khi chúng không chỉ có khả năng tái sinh các chi mà còn có thể tái tạo buồng trứng hay tái tạo tế bào trứng trong suốt vòng đời của mình.
Monaghan cho biết: “Trong quá trình thí nghiệm với loài này, khi chúng tôi thực hiện cắt bỏ phần lớn buồng trứng, các tế bào gốc nội sinh sẽ được kích hoạt để sửa chữa bộ phận bị tổn thương. Loài kỳ nhông có khả năng tự tái tạo, phục hồi buồng trứng sau tổn thương, sau đó, chúng còn có thể sản sinh thêm một lượng lớn trứng và tiếp tục duy trì hệ thống siêu sinh sản đáng kinh ngạc ở con cái“.
Nghiên cứu về khả năng tái tạo buồng trứng sau tổn thương cũng như khả năng tiếp tục sản sinh thêm gần 2000 trứng mỗi năm của loài kỳ nhông Mexico có thể được xem là yếu tố góp phần dẫn đến sự phát triển của các loại thuốc giúp nuôi dưỡng, tái tạo trong điều trị bệnh vô sinh ở người. Monaghan cho biết thêm: “Chúng tôi nhận thấy hầu hết các gen biểu hiện sự phát triển của cơ thể và trong các tế bào gốc trong buồng trứng ở người cũng được thể hiện trong các tế bào gốc trong buồng trứng ở loài kỳ nhông”.
Hiện nay, mục tiêu thử nghiệm của nhóm nghiên cứu là nhắm vào các tín hiệu kích thích quá trình tái tạo ở kỳ nhông, từ đó chuyển sang nghiên cứu những tín hiệu đó trên nhiều đối tượng khác nhau, trong đó có loài chuột hay thậm chí là con người. “Nếu chúng ta nhận biết được những tín hiệu dẫn đến phản ứng của khi cơ thể bị tổn thương, thì có nghĩa chúng ta đã thành công“, Monaghan nói. “Chúng tôi bắt đầu thử nghiệm trên chuột và sau đó sẽ đi xa hơn. Có thể nói rằng việc xác định, nắm bắt được các tín hiệu là yếu tố hết sức quan trọng“.
Loài kỳ nhông Mexico hay còn gọi là khủng long sáu sừng vốn được biết đến là loài vật duy nhất có khả năng tái tạo các nang mới và các tế bào hỗ trợ. Trong một nghiên cứu được thực hiện trước đó, Monaghan cùng các cộng sự đã xác định được một thành phần được tiết ra bởi các dây thần kinh vốn rất cần thiết cho quá trình tái tạo, phục hồi các chi ở loài kỳ nhông, đây được coi là một khám phá hết sức có ý nghĩa, nó bác bỏ một quan niệm cũ kỹ, lạc hậu rằng dây thần kinh không đóng vai trò quan trọng trong quá trình tái tạo. Tuy nhiên, trong khi nhiều nhà khoa học đánh giá cao khả năng tái tạo một số cơ quan kỳ lạ, đáng ngạc nhiên của kỳ nhông Mexico, cho đến nay, vẫn chưa có nhiều nghiên cứu được tiến hành về quá trình tái tạo các cơ quan bị tổn thương ở loài động vật lưỡng cư.
Đặc biệt, các nhà khoa học đã thực hiện so sánh khả năng tái tạo của từng cơ quan cụ thể, bắt đầu là buồng trứng, sau đó đến phổi và tim. Kết quả là tất cả các cơ quan trên đều biểu hiện phản ứng tái tạo nhất định. “Nếu chúng ta có thể xác định một sơ đồ chi tiết thể hiện quá trình tái tạo giữa các bộ phận cơ thể có khả năng tái tạo hay thậm chí giữa các loài động vật có khả năng tự tái tạo, phục hồi phần cơ quan bị tổn thương, tôi nhận thấy việc nghiên cứu, áp dụng trên cơ thể người là hoàn toàn khả thi. Thời điểm đó thực sự rất thú vị trong sinh học tái tạo”.
P.K.L. (Theo http://medicalxpress.com/news/2016-11-ovary-regeneration-salamanders-solutions-human.html)