Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, có hệ thực vật và động vật vi sinh vật rất phong phú và đa dạng. Theo dự đoán của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước, chỉ riêng nhóm thực vật bậc cao đã có khoảng 12.000 loài. Tuy nhiên trong số đó có khá nhiều loài đang đứng trước nguy cơ tiệt chủng do bị khai thác quá mức hoặc môi trường sống bị huỷ hoại nghiêm trọng. Con số 500 loài phải đưa vào danh lục đỏ và sách đỏ Việt Nam phần nào đã nói lên tính cấp thiết phải coi trọng công tác bảo tồn các loài cây quý hiếm ở Việt Nam.

Hiện nay do tình trạng con người khai thác một cách bừa bãi, không có kế hoạch để bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên động thực vật. Nạn cháy rừng xảy ra thường xuyên trên thế giới với mức độ ngày càng trầm trọng, rất nhiều loài thực vật nói chung và cây làm thuốc nói riêng đang đứng trước nguy cơ bị tiệt chủng, hoặc ít nhất về số lượng cá thể, quần thể cũng đang dần bị thu hẹp, giảm bớt dần. Nạn săn bắt các động vật quý hiếm cũng ngày càng phát triển và ngày càng tinh vi, hiện đại do đó nhiều loài động vật nói chung và động vật dùng làm thuốc cũng đang đứng trước nguy cơ tiệt chủng. Việc khai thác bất hợp lý, phá hoại sinh cảnh (rừng sú vẹt, rạng san hô…) sử dụng các loaị công cụ nghề có tính chất huỷ diệt như cyanua, chất nổ và điện đã làm cạn kiệt nhiều loại sinh vật biển.

Đề tài “Khai thác và phát triển các nguồn gen dược liệu kim ngân hoa, huyền sâm” do Cơ quan chủ trì là Viện Y học cổ truyền Quân đội cùng phối hợp với chủ nhiệm đề tài TS. Phạm Xuân Phong được thực hiện trong thời gian từ năm 2011 – 2015 với các nội dung từ xây dựng vườn giống, các phương pháp nhân giống, chuẩn bị cây giống trồng đại trà; Xây dựng quy trình trồng theo GACP – WHO; Quy trình thu hái, sơ chế và xây dựng tiêu chuẩn dược liệu sạch cho hai dược liệu kim ngân hoa và huyền sâm; Xây dựng mô hình trồng tại Ba Vì – Hà Nội.

Trong thời gian thực hiện, đề tài đã thực hiện đầy đủ các nội dung theo thuyết minh đã đăng ký và đảm bảo đúng tiến độ và thu được những kết quả như sau:

  1. Đã nghiên cứu xây dựng được các quy trình nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch và sơ chế kim ngân hoa. 

– Cây giống giâm từ cành bánh tẻ cho tỷ lệ sống cao (86,5%), nhanh ra rễ, sinh trưởng tốt, cây khỏe, lá xanh. Chọn hom giống có ba mắt mầm để làm giống. Thời vụ giâm hom là tháng 7 và tháng 8 hàng năm.

– Thời vụ trồng 15/8; Khoảng cách 1m x 1m tương ứng với mật độ 10.000 cây/ha cây kim ngân sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất đạt cao nhất. Lượng phân cung cấp cho cây kim ngân: 15 tấn/ha phân chuồng hoai mục; 1 tấn/ha phân NPK và 4,5 tấn/ha phân vi sinh kết hợp với NPK tỷ lệ 17 – 12 – 7 với lượng 300 kg để bón bổ sung cho cây kim ngân sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao. Cây kim ngân ít bị sâu bệnh hại và mức độ nhiễm sâu bệnh là rất thấp.

– Thời vụ thu hoạch kim ngân là từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6, từ lúc cây có nụ hoa đến lúc hoa nở trong khoảng 15 ngày. Thời điểm thu hái trong ngày vào 9 – 10 giờ sáng (lúc này sương đã tan). Trung bình 4 kg hoa tươi phơi khô được 1 kg khô; hoa mới nở, thì 4,25 kg tươi được 1 kg khô nhưng hoa đã nở hết thì 7 kg hoa tươi mới được 1 kg khô. Thời gian hái có ảnh hưởng rất lớn đến màu sắc, hoa hái trước 9 giờ sáng, sau khi phơi khô màu sắc trắng nhất; hoa hái từ 10 giờ sáng trở về sau không thể phơi khô ngay, phần lớn biến thành màu vàng nhạt.

– Có thể phơi hoặc sấy khô dược liệu hoa kim ngân. Nhiệt độ trong phòng sấy nói chung là 38

– 42oC, nếu nhiệt độ cao quá, dễ làm cho hoa bị khô giòn. bảo quản để đảm bảo dược liệu còn giữ được chất lượng theo yêu cầu.

  1. Đã nghiên cứu xây dựng được các quy trình nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch và sơ chế huyền sâm. 

– Để trồng huyền sâm lấy hạt làm giống nên chọn gieo hạt tháng 11; Mật độ khoảng cách là 20 x 30cm (165.000 cây/ha) hoặc 20 x 40cm (125.000 cây/ha).

– Trồng huyền sâm lấy dược liệu nên gieo hạt ở thời vụ đông cho năng suất cao nhất (2,097 tấn/ha). Các cây gieo hạt ở thời vụ xuân đạt năng suất 1,821 tấn/ha. Khoảng cách 20 x 10cm (tương ứng với mật độ 500.000 cây/ha). Bón phân cho cây ở mức 180 kg N + 200 kg P2O5 + 200kg K2O và phân chuồng là 20 – 25 tấn/ha.

– Sâu bệnh hại huyền sâm không nhiều gồm có sâu xám hại cây con, sâu róm ăn lá, rệp hại lá, bệnh lở cổ rễ, bệnh thối củ, bệnh phấn trắng và bệnh đốm lá.

– Huyền sâm trồng ở đồng bằng thu hoạch vào tháng 7 – 8 khi cây đã xuất hiện lá vàng, tàn lụi thì thu hoạch. Rễ củ nguyên, phần trên hơi phình to, phần dưới nhỏ dần, một số rễ hơi cong, dài 3 – 15 cm, đường kính 0,5 – 1,5 cm. Mặt cắt ngang có mầu đen, phía ngoài cùng có lớp bần mỏng, có nếp nhăn, phía trong có nhiều vân tỏa ra.

– Huyền sâm được bào chế dưới dạng thuốc phiến theo dạng phiến vát chéo có độ dày 1- 3 mm, dài 5 – 10 cm. Kết quả hàm lượng acid cinnamic trong mẫu thị trường (mẫu Trung Quốc) có hàm lượng cao hơn, điều đó có thể do huyền sâm phù hợp hơn với điều kiện thổ nhưỡng của Trung Quốc. Tuy nhiên cả hai mẫu hàm lượng acid cinnamic đều đạt theo yêu cầu của Dược điển Hồng Kông lớn hơn 0,03%.

  1. Đã nghiên cứu xây dựng được Tiêu chuẩn dược liệu sạch kim ngân hoa trồng theo tiêu chuẩn GACP. 

Kết quả định tính so sánh sắc ký đồ của dược liệu trồng theo GACP và dược liệu trên thị trường thấy rằng cả 2 mẫu đều có vết của acid chlorogenic và có các vết cơ bản giống nhau. Định lượng chất chiết được trong ethanol 96 % và hàm lượng trong các mẫu kim ngân hoa trên thị trường trung bình là 33,4 % và các mẫu trồng theo GACP trung bình là 35,6 %. Định lượng acid chlorogenic, kết quả là: Mẫu trồng theo GACP 2,56 % và mẫu kim ngân hoa trên thị trường 2,14 %.

  1. Đã nghiên cứu xây dựng được Tiêu chuẩn dược liệu sạch huyền sâm trồng theo tiêu chuẩn GACP. 

Chất lượng của mẫu huyền sâm trồng theo GACP đạt các chỉ tiêu định tính theo chuyên luận huyền sâm DĐVN IV. Mẫu huyền sâm trồng theo GACP có sắc ký đồ giống mẫu huyền sâm mua trên thị trường. Hàm lượng hoạt chất là acid cinnamic trong củ huyền sâm trồng theo GACP và trên thị trường cả 2 mẫu đều đạt theo yêu cầu của Dược điển Hồng Kong.

  1. Đã công bố 04 bài báo trong tạp chí Y dược học cổ truyền quân sự về tiêu chuẩn chất lượng dược liệu kim ngân hoa và huyền sâm.
  2. Tham gia đào tạo 01 thạc sỹ Nông nghiệp thực hiện luận văn: Nghiên cứu thời điểm thu hoạch và phương pháp sơ chế dược liệu huyền sâm (Scrophularia ningpoensis Hemsl.). 
  3. Đã xuất bản 02 tài liệu hướng dẫn trồng cây kim ngân, huyền sâm theo tiêu chuẩn GACP – WHO. 
  4. Đề tài đã xây dựng 02 vườn giống gốc, sản xuất cây giống phát cho dân và trồng 02 mô hình cây kim ngân và cây huyền sâm theo quy trình đã nghiên cứu tại Ba Vì – Hà Nội.

Việt Nam còn có rất nhiều dược liệu quí hiếm đang dần bị cạn kiệt, đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục cho nghiên cứu thêm một số loại dược liệu nhằm bảo tồn các nguồn gen đặc hữu.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 12168/2015) tại Cục Thông tin KHCNQG

Đ.T.V (NASATI)