Những năm gần đây nguồn lợi cá Anh vũ, Lăng chấm đã giảm sút rất nghiêm trọng, sự phân bố bị thu hẹp; môi trường sống của cá bị phá hoại đã dẫn đến số lượng các loài cá này bị suy kiệt nghiêm trọng, được xếp vào mức nguy cơ tuyệt chủng bậc V, cần phải được bảo vệ gấp.

Song song với công tác bảo tồn, lưu giữ 2 nguồn gen quý này thì nhiệm vụ khai thác và phát triển bền vững nguồn gen cá Anh vũ, cá Lăng chấm có tính đa dạng di truyền cao phục vụ công tác giống và phát triển nuôi trồng thủy sản là rất cần thiết.

Nhiệm vụ „„Khai thác và phát triển nguồn gen cá Anh vũ (Semilabeo notabilis Peters, 1881), cá Lăng chấm (Hemibagrus guttatus Lacepède, 1803)” do Cơ quan chủ trì Chi cục Thủy sản Phú Thọ cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài Ks. Nguyễn Ngọc Sơn thực hiện nghiên cứu, đã được tiến hành tập trung nghiên cứu khai thác phát triển nguồn gen 2 đối tượng cá Lăng chấm, Anh vũ với mục tiêu: Tạo được đàn cá  Anh Vũ và Lăng Chấm bố mẹ từ nguồn gen có tính đa dạng di truyền cao để cung cấp giống và công nghệ sản xuất giống chất lượng cao cho các vùng nuôi.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

Đối với lĩnh vực KH&CN có liên quan

Đề tài khai thác nguồn gen cá Anh vũ, cá Lăng chấm đã đóng góp một cách tích cực cho công tác nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước: Cung cấp, trao đổi vật liệu di truyền cho các lĩnh vực nghiên cứu phân loại học, ngư loại học, di truyền chọn giống, công nghệ sinh học, môi trường sinh thái… Tạo ra đàn cá bố mẹ tính trạng di truyền cao phục vụ sinh sản, chủ động con giống cung cấp cho việc nghiên cứu hoàn thiện các công nghệ nuôi, tạo ra đối tượng nuôi mới trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.

 

Đối với tổ chức chủ trì và các cơ sở ứng dụng kết quả

Những kết quả của đề tài có khả năng ứng dụng rộng rãi trong phạm vi cả nước với mục tiêu Bảo tồn, lưu giữ, khai thác phát triển nguồn gen. Chủ động sản xuất giống, khôi phục nguồn lợi tự nhiên, cung cấp giống cho bà con ngư dân khu vực nguồn gen phân bố góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi, bảo vệ đa dạng sinh học. Ngoài ra kết quả của nhiệm vụ có thể trao đổi hợp tác trong và nước ngoài làm vật liệu phục vụ cho các chương trình lai tạo chọn giống, phát triển nguồn gen.

Đối với kinh tế – xã hội và môi trường

Việc có được nguồn gen cá Anh vũ, Lăng chấm giống gốc có tính đa dạng di truyền cao có ý nghĩa lớn cho việc phát triển giống, sử dụng bền vững nguồn gen. Sản phẩm khoa học của nhiệm vụ có thể cung cấp các nguồn gen quý cho các địa phương làm cá bố mẹ để sản xuất con giống nuôi thương phẩm. Quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm được hoàn thiện sẽ nâng cao được sức cạnh tranh của sản phẩm này. Doanh thu mô hình nuôi thương phẩm có thể đạt bình quân 1-3 tỷ đồng/ha, nâng cao hiệu suất đầu tư và lợi nhuận cho người nuôi. Kết quả của nhiệm vụ đã góp phần tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo cho các đồng bào vùng sâu vùng xa, duy trì và phát triển phong trào nuôi thủy sản một cách bền vững, góp phần bảo đảm an ninh thực phẩm và bảo vệ đa dạng sinh học.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 15359/2018) tại Cục Thông tin KHCNQG.

Đ.T.V (NASATI)