Yến sào (tổ của loài chim yến) là nguồn tài nguyên quý, là loại thực phẩm cao cấp có nhiều chất bổ dưỡng, được coi như “vàng trắng”. Từ xa xưa yến sào được dùng như một loại sản phẩm đặc biệt phục vụ yến tiệc thời phong kiến cũng như xuất khẩu đổi lấy những thứ thiết yếu cho quốc gia.
Trong thành phần yến sào có 18 loại acid amin, một số có hàm lượng rất cao như acid Aspartic, Serine, Tyrosine, Phenylalanine, Valine, Arginine, Leucine,… Ngoài ra, yến sào có cấu trúc glucoprotein, có năng lượng cao, cơ thể dễ hấp thụ. Các nguyên tố đa, vi lượng trong yến sào rất phong phú, rất giàu Ca và Fe là các khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Các nguyên tố có ích như Mn, Br, Cu, Zn cũng có hàm lượng cao. Một số nguyên tố trong yến sào mặc dù với hàm lượng thấp, nhưng rất quý giá; ví dụ: Cr có khả năng kích thích tăng tiêu hóa hấp thu qua màng ruột, Se có khả năng chống lão hóa và chống chất phóng xạ. Như vậy, yến sào được xem là một trong những thực phẩm bổ dưỡng nhất.
Những bằng chứng khoa học gần đây cho thấy yến sào có tác dụng làm sạch phổi và các cơ quan hô hấp, làm giảm bệnh cúm và các triệu chứng dị ứng, làm tăng thể trọng, cân bằng các quá trình trao đổi chất trong cơ thể, tăng cường khả năng hoạt động thể lực và phản xạ thần kinh, bổ đối với hệ huyết học, làm tăng số lượng hồng cầu, huyết sắc tố, giảm thời gian đông máu, tăng cường các kích thích sinh trưởng cho các tế bào, phục hồi các tế bào bị thương tổn, chống lão hóa, hồi xuân, tăng tuổi thọ.
Nhờ vào nguồn gốc địa hóa, thành phần hóa học, khoáng vật phong phú ở các hang yến; tổ yến đảo thiên nhiên có giá trị dinh dưỡng và giá trị y dược cao hơn tổ yến trong nhà. Đất nước ta có bờ biển dài, nhiều đảo và nhiều dãy núi nhô ra biển hình thành các eo vịnh, đầm phá có lợi thế phát triển quần thể chim yến hàng.
Thực tế tiềm năng phát triển nghề nuôi chim yến của nước ta là rất lớn. Lợi thế về tự nhiên, khả năng về kỹ thuật cần khai thác tốt nhất để phát triển nghề nuôi chim yến, mang lại hiệu quả kinh tế cho các tỉnh, thành. Thức ăn chủ yếu của chim yến là côn trùng bay như rầy nâu, rầy xanh, mối, ruồi, muỗi, côn trùng gây bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá trên lúa… Vì vậy, chim yến có thể được xem là loài dùng để đấu tranh sinh học và bảo vệ môi trường cho nhà nông.
Từ những hạn chế và tồn tại trên, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ “Khai thác và phát triển nguồn gen chim yến đảo (Aerodramus fuciphagus germani Oustalet, 1878) phục vụ phát triển bền vững nghề chim yến của Việt Nam” do Cơ quan chủ trì Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài KS Lương Công Bình thực hiện là rất cần thiết, có tính khoa học và thực tiễn, mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội cao.
Đã mô tả được đặc điểm hình thái, sinh học, sinh thái về hai phân loài chim yến sống ở hang đảo và sống ở nhà yến trong đất liền. Đánh giá được giá trị nguồn gen và khả năng phát triển của quần thể chim yến đảo ở Khánh Hòa.
Đã tách chiết và tinh sạch được DNA tổng số từ mẫu mô của 170 mẫu cá thể chim yến tại Khánh Hòa, Thanh Hóa, Hội An, Kiên Giang, Côn Đảo; đã giải trình tự thế hệ mới các thư viện gen (library) của các cá thể chim yến ở các địa điểm thu mẫu khác nhau; bước đầu xác định đƣợc khoảng cách di truyền giữa các nhóm quần thể thể tại các địa điểm Khánh Hòa, Thanh Hóa, Đắc Lắc, Hội An, Kiên Giang, Côn Đảo; Tìm thấy được sự khác biệt SNPs/Microsatelite giữa các cá thể chim yến nhà (TH, ĐL, NKH, TB-ĐN, KG) và yến đảo (HA, Đ-KHvà CĐ), trong đó, quần thể Côn Đảo phân tách thành 1 nhóm riêng biệt so với các quần thể còn lại.
Đã thực hiện khảo sát xây dựng được bộ tiêu chí lựa chọn quần đàn chim yến hạt nhân; Xây dựng quy trình tuyển chọn quần đàn chim yến đảo hạt nhân; Tạo quần đàn chim yến hạt nhân bằng kỹ thuật nhân giống tại cơ sở ấp nuôi nhân tạo chim yến của Công ty Yến sào Khánh Hòa; Đã triển khai các giải pháp bảo vệ an toàn quần đàn chim yến hạt nhân.
Đã nghiên cứu thành công quy trình công nghệ ấp nở trứng nhân tạo đạt tỷ lệ trên 80%; Nghiên cứu thành công công nghệ nuôi dưỡng chăm sóc chim giống từ 1 ngày tuổi đến 52 ngày tuổi đạt tỷ lệ trên 95%; Nghiên cứu được bộ thức ăn tự nhiên và nhân tạo cho chim yến qua từng giai đoạn phát triển; Xây dựng được quy trình công nghệ ấp nở nhân tạo và nuôi dưỡng, chăm sóc chim yến giống.
Đã nghiên cứu kỹ thuật khảo sát chọn hang và cải tạo hang đảm bảo tiêu chuẩn để thực hiện di đàn; Xây dựng được quy trình kỹ thuật di đàn chim yến đảo.
Đã thực hiện thử nghiệm sản xuất chim giống từ quần đàn chim yến hạt nhân với tổng số trứng ấp 14.290 trứng, nở được 11.966 chim con đạt tỷ lệ 83,34%, nuôi dưỡng đến khi chim trưởng thành được 11.765 chim trưởng thành đạt tỷ lệ 98,4%.
Đã thực hiện thử nghiệm di 11.765 chim yến giống hạt nhân tới 19 hang yến mới vùng Duyên hải (Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận). Bước đầu đã có 16 hang có chim ở lại và làm tổ, tổng số lượng chim ở tại các hang trên 960 chim với 321 tổ, cho tổ có chất lượng tốt hơn đàn hạt nhân.
Xây dựng được tiêu chuẩn cơ sở đàn chim bố mẹ, chim giống và các sản phẩm từ yến; Xây dựng được quy trình truy xuất nguồn gốc chim yến và các sản phẩm yến sào.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 15368/2018) tại Cục Thông tin KHCNQG.
Đ.T.V (NASATI)