Ranina ranina Linneaus, 1758 Cua hoàng đế (Ranina ranina) hay còn gọi là cua mỏ lết (Spanner Crab) được xem là loài đặc sản quý hiếm bởi phẩm chất thịt thơm ngon, hàm lượng chất béo và cholesterol thấp, protein cao, dồi dào khoáng vi lượng và các vitamin. Chính vì vậy, cua hoàng đế đã trở thành một đối tượng thủy sản có giá trị xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế cao ở nhiều nước trên thế giới như Ấn Độ (Krajangdara và Watanabe, 2005; Kasinathan, 2007), Úc (Brown, 1986; Skinner và Hill, 1986; Kennelly, 1989; Kennely và Craig, 1989; Kennelly và cộng sự, 1990), Philipin (Tahil, 1983; Vicente và cộng sự 1986), Hawaii (Onizuka, 1972), Nhật Bản (Sinoda và Kobayashi, 1969)… và là món ăn được ưa chuộng ở nhiều nước Châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông (Baylon và Tito, 2012).
Cua hoàng đế hiện là loài sống trong tự nhiên, để bảo vệ đối tượng này khỏi nguy cơ tuyệt chủng và có thể khai thác, phát triển và sử dụng nguồn gen này một cách bền vững thì một trong những cách giải quyết hiệu quả nhất là đưa chúng trở thành đối tượng nuôi. Do đó, mục tiêu hàng đầu là gia hóa cua hoàng đế, trong đó, phải tái tạo quần đàn qua các thế hệ để khép kín vòng đời nhờ sản xuất giống nhân tạo, tạo ra quy trình sản xuất giống là quan trọng nhất và cũng là nhiệm vụ trọng tâm. Để phát triển nghề nuôi cua hoàng đế, bước tiếp theo là cần phải phát triển công nghệ nuôi thương phẩm đối tượng này. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ được tiến hành lần đầu, các vấn đề nuôi thương phẩm sẽ khó giải quyết trọn vẹn, vì vậy, kết quả đạt được ở mức độ nhất định. Nên cơ quan chủ trì là Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đã phối hợp cùng Chủ nhiệm TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy thực hiện.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
- Một số đặc điểm sinh học sinh sản cua hoàng đế đã nghiên cứu bổ sung bao gồm: cua hoàng đế có chiều dài giáp đầu ngực > 60 mm và khối lượng thân > 100 g/con đã thành thục và có khả năng tham gia sinh sản. Cua hoàng đế có thể sinh sản quanh năm nhưng mùa sinh sản chính từ tháng 2 đến tháng 6. Sức sinh sản thực tế tuỳ theo kích thước cua mẹ, số trứng trung bình trên một lần đẻ là 45.400 trứng đối với cua mẹ có chiều dài giáp đầu ngực trung bình 87,4 mm và khối lượng thân 251g/con. Thời gian phát triển phôi của cua hoàng đế từ 19-21 ngày ở nhiệt độ 26-28 oC. Ấu trùng trải qua 7-8 giai đoạn Zoea, 1 giai đoạn Megalopa trước khi lột xác thành cua bột với tổng thời gian biến thái từ 50-60 ngày tuỳ theo điều kiện môi trường. Đã đánh giá giá trị dinh dưỡng dựa trên các chỉ tiêu sinh hoá và giá trị kinh tế và nguồn lợi của nguồn gen dựa trên khảo sát điều tra sơ cấp tại vùng phân bố cua hoàng đế.
- Nhiệm vụ đã nghiên cứu sản xuất thành công con giống nhân tạo loài cua hoàng đế, góp phần phục hồi nguồn lợi và có tiềm năng phát triển nghề nuôi mới vùng ven biển. Các sản phẩm dạng I đạt được bao gồm: cua giống sản xuất nhân tạo 1.208 con, kích cỡ 1,2 cm/con, cua đồng đều khoẻ mạnh; cua bố mẹ 197 con, khối lượng>300 g/con, tỷ lệ thành thục > 80 %; cua hậu bị 202 con, khối lượng > 200g.
- Đã xây dựng qui trình sản xuất giống cua hoàng đế gồm các khâu kỹ thuật: Tuyển chọn, nuôi vỗ cua bố mẹ; Thu và ương ấu trùng thành cua bột; Ương cua bột thành cua giống. Kết quả triển khai qui trình đạt các chỉ tiêu: Nuôi vỗ cua bố mẹ đạt tỷ lệ sống và tỷ lệ thành thục > 80 %, cua khoẻ mạnh. Ương nuôi ấu trùng giai đoạn Zoea 1 đến Megalope đạt tỷ lệ sống 2-3 %. Ương nuôi giai đoạn megalope sang cua bột đạt tỷ lệ sống 60 -80 %. Ương nuôi cua bột lên cua giống đạt tỷ lệ sống 80 -90 %.
- Nhiệm vụ đã hoàn thành các sản phẩm dạng II theo thuyết minh gồm 1 báo cáo, chuyên đề khoa học và 2 tiêu chuẩn cơ sở được thông qua hội đồng khoa học cơ sở.
5. Đã đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ sản phẩm ”Qui trình sản xuất cua hoàng đế Ranina ranina” được chấp nhận đơn hợp lệ.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 13779/2017) tại Cục Thông tin KHCNQG.
N.T.T (NASATI)