Cây hồng (Diospyros kaki L.) là loại cây ăn quả lâu năm, có giá trị dinh dưỡng, kinh tế và có ý nghĩa trong y học. Ở Việt Nam, kết quả của quá trình canh tác lâu đời tại các tiểu vùng khí hậu khác biệt đã tạo ra hệ thống nguồn gen hồng tương đối phong phú với nhiều giống bản địa có giá trị cần được khai thác và phát triển, trong đó có hồng Hạc Trì, hồng Quản Bạ và hồng Điện Biên.

Trong quá trình canh tác, do một số nguyên nhân chủ quan và khách quan khiến tiềm năng của các nguồn gen nêu trên chưa được phát huy hết. Phổ biến là tình trạng lẫn giống, thoái hoá giống, hiện tượng rụng quả, sâu bệnh hại… khiến năng suất, chất lượng của các nguồn gen không ổn định. Do đó, từ tháng 2/2012 đến tháng 1/2016, nhóm nghiên cứu tại Viện KHKTNLN miền núi phía Bắc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam do ThS. Hà Quang Thưởng dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Khai thác và phát triển nguồn gen hồng Hạc Trì – Phú Thọ, hồng Quản Bạ – Hà Giang và hồng Điện Biên – Điện Biên” nhằm nhằm phục hồi, khai thác và phát triển hiệu quả các nguồn gen bản địa quý nêu trên.

Một số kết quả nổi bật của đề tài nghiên cứu:

* Đã xác định được một số đặc điểm nông sinh học của các nguồn gen:

– Hồng Hạc Trì: năng suất (cây trên 10 tuổi): 42,83 kg/cây/năm, khối lượng quả trung bình: 88,13 g/quả, quả không hạt, thịt quả màu vàng đỏ, giòn, ngọt.

– Hồng Điện Biên: năng suất trung bình (cây trên 10 tuổi): 49,6 kg/cây, khối lượng quả trung bình: 148,2 g/quả, không hạt, thịt quả khi chín có màu đỏ, vị ngọt đậm, không chát.
– Hồng Quản Bạ: năng suất (cây trên 10 tuổi): 37,75 kg/cây/năm, khối lượng qủa trung bình 34,70 g/quả, quả không hạt, thịt quả màu vàng nhạt, giòn, ngọt.

* Đã tuyển chọn cây ưu tú, xây dựng vườn cây mẹ, vườn nhân giống phục vụ sản xuất
Tuyển chọn và lập hồ sơ công nhận 27 cây đầu dòng, xây dựng 0,9 ha vườn cây mẹ và 03 vườn ươm nhân giống các nguồn gen. Tỷ lệ sống của các nguồn gen tại vườn ươm đạt trên 70%, tỷ lệ cây xuất vườn đạt trên 60%.

* Đã đưa ra các biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất 3 nguồn gen tại vùng nghiên cứu

* Đã xây dựng được mô hình và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật

– Mô hình trồng mới: Tỷ lệ sống sau trồng đạt 93,18 – 97,44%, cây sinh trưởng, phát triển tốt.

– Mô hình thâm canh ứng dụng kỹ thuật mới: Cây mô hình có tốc độ tăng trưởng tốt, tỷ lệ rụng quả giảm, năng suất tăng 18,32 – 25,61%, hiệu quả kinh tế tăng từ 15,52 – 23,97% so với vườn hộ nông dân.

Nhóm nghiên cứu khuyến cáo áp dụng các quy trình trồng mới và quy trình thâm canh được nghiên cứu cho các nguồn gen tương ứng với vùng canh tác.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14044) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

N.T.T (NASATI)