Các giống bưởi đang được trồng phổ biến ở các tỉnh phía Bắc là bưởi Đoan Hùng, bưởi Diễn, bưởi Phúc Trạch, bưởi đường Hương Sơn, bưởi Luận Văn và bưởi Thanh Trà. Nhìn chung những giống bưởi này đều có khả năng sinh trưởng khỏe, năng suất cao và chất lượng quả tốt. Tuy nhiên, mỗi giống bưởi đều tồn tại những nhược điểm như tỷ lệ đậu quả thấp (bưởi Đoan Hùng, bưởi Phúc Trạch), quả nhỏ, tép bưởi thường bị khô khi thu hoạch (bưởi Thanh Trà), ….đã làm hạn chế đến sự phát triển của giống. Ngoài ra, một thực trạng của cây ăn quả có múi nói chung là hầu hết các vùng trồng tập trung ở các tỉnh phía Bắc đang bị nhiễm bệnh nặng, từ đó đã rút ngắn thời gian cho khai thác, giảm hiệu quả sản xuất của người nông dân. Mặt khác, mặc dù với khối lượng sản phẩm không lớn, chất lượng sản phẩm không cao, người nông dân các vùng trồng cây ăn quả có múi tập trung ở các tỉnh phía Bắc gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Công tác bảo tồn liên quan đến nghiên cứu chọn tạo giống bưởi tập trung chủ yếu vào các giống đặc sản đã có tiếng từ lâu như Năm Roi, Da xanh (Nam Bộ), Thanh Trà, Phúc Trạch, cam Bù (Trung Bộ), Bưởi Diễn, Đoan Hùng (Bắc Bộ),… mà chưa chú ý đến một số vùng khác trong đó có giống quýt Tràng Định, bưởi Luận Văn ở tỉnh Lạng Sơn và Thanh Hoá. Đây là hai nguồn gen cây có múi quý, có chất lượng tốt và mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng. Việc bảo tồn và phát triển đa dạng các nguồn gen cây có múi quý này không chỉ có ý nghĩa về bảo tồn đa dạng sinh học mà còn có khả năng phát triển hàng hoá đặc sản ở mỗi địa phương, tạo công ăn việc làm tăng thu nhập, góp phẩn ổn định sinh kế cho người dân trongvùng. Do đó, nhằm khai thác và phát triển được nguồn gen giống bưởi Luận Văn có năng suất, chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế của địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân, đánh giá được đặc điểm nông sinh học và giá trị nguồn gen, tuyển chọn bổ sung cây đầu dòng, xây dựng vườn giống gốc, xây dựng mô hình canh tác và trồng mới giống quýt Tràng Định và bưởi Luận Văn, nhóm nghiên cứu do TS.Vũ Việt Hưng, Viện Nghiên cứu Rau quả đứng đầu đã được Bộ Khoa học và công nghệ giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu đề tài: “Khai thác và phát triển nguồn gen quýt Tràng Định – Lạng Sơn và bưởi Luận Văn – Thanh Hóa”.
Đây là nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khai thác và phát triển nguồn gen các giống cây bản địa đặc sản, do vậy những nội dung nghiên cứu không đơn thuần chỉ mang ý nghĩa khoa học và kinh tế, mà còn là những cách thức cụ thể, cần thiết để phục hồi và duy trì bảo vệ nguồn gen khỏi nguy cơ bị xói mòn sinh học. Việc kết hợp các kỹ thuật hiện đại, tiên tiến nhất vào nghiên cứu sẽ làm sạch hoá nguồn gen khỏi những bệnh dịch nguy hiểm giúp bảo tồn nguồn gen lâu dài, bền vững. Mặt khác nhiệm vụ còn phối hợp với các cơ quan quản lý, chỉ đạo kỹ thuật địa phương và người dân phát triển nguồn gen trên diện rộng; coi việc phát triển nguồn gen trên diện rộng vừa là khai thác tiềm năng kinh tế, vừa là một hình thức bảo tồn trên đồng ruộng.
Sau 3 năm (1/ 2012 đến 12/2015) triển khai thực hiện nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã đạt được các kết quả như sau:
– Quýt Tràng Định và bưởi Luận Văn là hai nguồn gen cây có múi quý, không những có giá trị kinh tế cao mà còn có giá trị tinh thần đối với đồng bào các dân tộc tại huyện Tràng Định – Lạng Sơn và người dân tại Thọ Xuân – Thanh Hóa. Nhiệm vụ đã đánh giá chi tiết đặc điểm nông sinh học và giá trị nguồn gen của 2 chủng loại cây đặc sản này. Ở giai đoạn chưa cho quả giống quýt Tràng Định và bưởi Luận Văn đều xuất hiện 4 đợt lộc/năm, giai đoạn đã cho quả chủ yếu có 3 đợt lộc/năm (xuân, hè, thu). Thời gian xuất hiện hoa của giống quýt Tràng Định muộn hơn giống bưởi Luận Văn khoảng 4 tuần, bắt đầu từ 18 – 23/3 và kết thúc nở hoa vào khoảng 8 – 14/4. Quả quýt Tràng Định có hình cầu dẹt, vỏ quả và tép quả đều có màu vàng; khối lượng trung bình quả đạt 162,65g/quả; tỷ lệ phần ăn được đạt trung bình 74,39%; độ Brix đạt 11,5%. Quả bưởi Luận Văn có hình cầu, tép và vỏ quả có màu đỏ; khối lượng trung bình quả đạt 1031g/quả; tỷ lệ phần ăn được đạt trung bình 56,89%; độ Brix đạt xấp xỉ 12%.
– Từ các vùng sản xuất tập trung, nhiệm vụ đã tuyển chọn được 8 cây đầu dòng quýt Tràng Định và 8 cây đầu dòng bưởi Luận Văn, tất cả các cây đầu dòng đều có khả năng sinh trưởng tốt, cho năng suất cao và ổn định qua các năm. Từ nguồn cây đầu dòng, nhiệm vụ đã tạo được 11 cây S0 giống quýt Tràng Định và 12 cây S0 giống bưởi Luận Văn, xây dựng được các vườn cây mẹ S1 với 28 cây quýt Tràng Định và 30 cây bưởi Luận Văn. Vườn cây mẹ có khả năng sinh trưởng tốt và có kết quả âm tính với 2 loại bệnh nguy hiểm là Greening và Tristeza. Từ vườn cây mẹ sạch bệnh, nhiệm vụ đã nhân giống được 2000 cây S2 giống quýt Tràng Định và 1.500 cây S2 giống bưởi Luận Văn phục vụ công tác mở rộng diện tích.
– Sử dụng các phân bón lá: Grow ba lá xanh, Yogen, Đầu Trâu và kích phát tố thiên nông có tác dụng khá rõ trong việc nâng cao khả năng sinh trưởng của cây gốc ghép, tỷ lệ bật mầm sau ghép, khả năng sinh trưởng của cành ghép bưởi Luận Văn và quýt Tràng Định, qua đó nâng cao tỷ lệ cây giống đạt tiêu chuẩn xuất vườn từ 7 – 12% so với đối chứng.
– Các công thức bón phân sử dụng có tác dụng rõ rệt trong việc nâng cao khả năng đậu quả và năng suất cho giống quýt Tràng Định, bưởi Luận Văn so với công thức đối chứng mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng quả. Trong các công thức thử nghiệm, công thức bón phân tốt nhất đối với quýt Tràng Định là công thức 2: bón 50 kg phân hữu cơ + 500g N (tương đương với 1,1 kg đạm Urê) + 300g P2O5 (tương đương với 1,5 kg Super lân) + 400g K2O (tương đương với 0,7 kg Kaliclorua); Đối với bưởi Luận Văn là công thức 1: bón 50 kg phân hữu cơ hoai mục + 600g N (tương đương với 1,3 kg đạm Urê) + 500g P2O5 (tương đương với 2,5 kg Super lân) + 1.200g K2O (tương đương với 2,1 kg Kaliclorua). Sử dụng phân vi lượng, chất điều tiết sinh trưởng: Kích phát tố thiên nông,Siêu Bo rong biển,Siêu kẽm và Antocnic có tác dụng nâng cao tỷ lệ đậu quả, tăng năng suất của giống quýt Tràng Định rõ rệt so với đối chứng nhưng chưa có tác dụng rõ trong việc nâng cao năng suất, chất lượng cho bưởi Luận Văn.
– Áp dụng tổng hợp các biện pháp kỹ thuật đã có tác dụng rõ rệt trong việc nâng cao khả năng sinh trưởng, tỷ lệ đậu quả, năng suất và chất lượng các giống quýt Tràng Định và bưởi Luận Văn ở các mô hình canh tác. Cây trong các mô hình sinh trưởng khỏe, không có dấu hiệu của sâu bệnh hại nguy hiểm, năng suất đạt cao hơn đối chứng từ 25 đến 36%.
– Các giống quýt Tràng Định và bưởi Luận Văn trong mô hình trồng mới có khả năng sinh trưởng tốt. Sau trồng 21 tháng, giống quýt Tràng Định có chiều cao cây, đường kính gốc và đường kính tán đạt tương ứng là 179,30cm; 3,23cm và 152,27cm. Giống bưởi Luận Văn có chiều cao cây, đường kính gốc và đường kính gốc và đường kính tán đạt tương ứng là 210,3cm; 3,78cm và 158,87cm. Một số cây quýt trong mô hình đã bắt đầu xuất hiện hoa, chứng tỏ việc sử dụng cây giống nhân bằng phương pháp ghép đã rút ngắn đáng kể thời gian từ khi trồng đến ra hoa so với phương pháp nhân giống bằng hạt của các nông hộ trồng quýt tại Tràng Định—Lạng Sơn.
Nhóm nghiên cứu cũng kiến nghị cần áp dụng các Quy trình kỹ thuật do Nhiệm vụ đề xuất vào việc trồng chăm sóc các giống quýt Tràng Định và bưởi Luận Văn. Tiếp tục bảo tồn, lưu trữ và khai thác có hiện quả các cây đầu dòng, vườn cây mẹ các giống quýt Tràng Định và bưởi Luận Văn phục vụ việc khai thác và phát triển các nguồn gen quý hiếm này.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 12401-2016) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
P.T.T.(NASATI)