Từng đau đầu suy tính làm cách nào để vươn lên thoát nghèo, đến nay anh Bùi Văn An (1985) tại Yên Thủy, Hòa Bình có thu nhập lên tới 2-3 tỷ đồng mỗi năm.

Anh Bùi Văn An chia sẻ mình thuộc thế hệ 8X, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất “chưa mưa đã úng, chưa nắng đã hạn” thuộc xã Phú Lai, huyện Yên Thủy tỉnh Hòa Bình. Theo anh An, đây là địa phương có điều kiện tự nhiên không mấy thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, đất đai chủ yếu là gò đồi, ruộng canh tác chủ yếu là ruộng bậc thang hàng năm thường xuyên thiếu nước tưới cộng với thói quen canh tác nhỏ lẻ trồng các loại cây thuần túy như cây ngô, lạc, lúa…nên năng suất và hiệu quả kinh tế của người dân không cao.

Năm 2006, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về gia đình, anh luôn băn khoăn suy nghĩ phải làm thế nào để vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương. Anh cho biết thời gian này khi nhiều thanh niên tại địa phương đã chọn con đường đi làm ăn xa tại các khu công nghiệp thì bản thân lại chọn con đường khởi nghiệp ngay trên quê hương.

Anh Bùi Văn An cho biết có thu nhập tiền tỷ mỗi năm sau khi chuyển hướng sang nuôi lợn

Ban đầu anh mạnh dạn trồng cây dưa hấu trên diện tích 5 sào đất nông nghiệp được giao khoán. Do chưa có kinh nghiệm nên trong quá trình làm anh đã phải tìm tòi thêm về kỹ thuật chăm sóc qua sách báo và tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do Trạm khuyến nông khuyến lâm huyện tổ chức.

Nhờ nắm chắc được kỹ thuật, ruộng dưa nhà anh phát triển tốt và đã cho hiệu quả kinh tế cao gấp từ 4-5 lần so với trồng cây lúa. Từ năm 2006 đến năm 2014 gia đình anh An đã không ngừng mở rộng diện tích trồng cây dưa hấu, cây bí xanh hàng năm gieo trồng từ 0,8 đến 1 ha cho thu nhập từ 100 đến 120 triệu đồng.

Năm 2014, trong một lần tình cờ xem chương trình giới thiệu về mô hình chăn nuôi gà thả vườn, thấy có hiệu quả nên anh đã tìm hiểu và mua 200 con gà giống về vừa nuôi vừa học hỏi kỹ thuật và tự tìm đầu ra cho sản phẩm. Lứa đầu tiên nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật và giá bán cao sau khi trừ chi phí thu lãi gần 20 triệu đồng.

Anh An chia sẻ: “Năm 2015 gia đình tôi đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để xây dựng chuồng trại nuôi gà với tổng diện tích là 1.200 m2 nhằm phát triển quy mô. Theo đó, gia đình thường xuyên nuôi 6.000 con gà thịt, 4.000 con gà mái đẻ trứng theo hình thức gối lứa trung bình cứ 1,5 tháng gia đình đã xuất bán 2.000 con với trọng lượng từ 3.500-4.000kg gà thịt, 15.000 con gà giống mang lại thu nhập từ 400 triệu đến 500 triệu đồng/năm sau khi đã trừ chi phí.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, trong quá trình sản xuất anh luôn nhiệt tình tuyên truyền và giúp đỡ bà con nhân dân tại địa phương học hỏi và làm theo mô hình chăn nuôi gà thả vườn của mình. Hiện nay đã có 15 hộ dân trong xã làm theo mô hình chăn nuôi gà thả vườn với quy mô từ 1.000 đến 5.000 con tất cả các hộ đều được anh hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi và tìm được đầu ra tương đối ổn định.

Tuy nhiên, anh An thừa nhận trong quá trình sản xuất, anh nhận thấy việc chăn nuôi gà thả vườn rất khó khăn trong việc quản lý và chăm sóc khi nuôi liên tục trên một diện tích đất do thường xảy ra dịch bệnh ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Chính vì thế đến năm 2017 gia đình bắt đầu chuyển sang chăn nuôi thêm lợn nái siêu nạc.

Cuối năm 2018 gia đình anh chuyển đổi toàn bộ mô hình sang chăn nuôi lợn nái, lợn thịt siêu nạc. Trong quá trình chuyển đổi này, gia đình đã trải qua nhiều giai đoạn khó khăn từ bão giá lợn hơi năm 2016-2017, sau đó là dịch tả lợn châu phi từ tháng 2 năm 2019. Gia đình cũng đã bị ảnh hưởng rất lớn từ những biến động trên làm cho giá bán sản phẩm chăn nuôi nhiều lúc xuống thấp và rất khó tiêu thụ.

Ngoài chăn nuôi, chàng trai 8X cũng vẫn duy trì mô hình trồng bí xanh cho thu nhập cao

Tuy nhiên, bằng ý chí và nghị lực của bản thân được rèn luyện qua môi trường quân đội nên anh An đã động viên gia đình ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi và thực hiện nghiêm túc các biện pháp an toàn sinh học. Nhờ các biện pháp này, mà gia đình anh đã luôn giữ được đàn lợn an toàn và không ngừng cải tiến chuồng trại, tăng quy mô chăn nuôi.

Hiện nay gia đình anh đang nuôi 60 lợn nái và 300 lợn thịt theo mô hình chuồng trại khép kín đảm bảo an toàn sinh học và vệ sinh môi trường. Hàng năm gia đình xuất bán khoảng 80 tấn lợn hơi và 400 con lợn giống mang lại thu nhập từ 2-3 tỷ đồng sau khi đã trừ chi phí. Mô hình chăn nuôi của 8X Hòa Bình cũng đang tạo ra việc làm cho 3 lao động thường xuyên với mức lương bình quân từ 7-8 triệu đồng/tháng.

Với những kết quả đạt được, năm 2018 anh được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình. Năm 2020 anh được đi dự đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X; năm 2021 được nhận giấy khen của Hội cựu chiến binh huyện Yên Thủy.

Chia sẻ về thành công trong mô hình khởi nghiệp của mình trong những năm qua, anh An cho biết thêm: “Để phát triển lâu dài và bền vững hơn các hộ gia đình cần có sự liên kết với nhau để tạo thành các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nhất định điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng được thương hiệu riêng cho sản phẩm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Ngoài các vấn đề trên thì người nông dân, các chủ trang trại cũng cần gìn giữ môi trường góp phần kiểm soát dịch bệnh tránh gây thiệt hại cho sản xuất”.

THEO XUÂN THIÊN
(Báo Dân Việt)