Kết quả từ một thử nghiệm lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên (RCT) mới đây đã chứng minh rằng kỹ thuật Cấy ghép phân hoặc Cấy ghép vi sinh vật trong phân (FMT) cho phép khôi phục hiệu quả hệ vi sinh đường ruột của bệnh nhân sau thời gian điều trị bằng thuốc kháng sinh. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành kiểm tra trên một nhóm bệnh nhân ung thư và phát hiện ra rằng thực hiện cấy ghép phân giúp khôi phục lại quần thể vi sinh vật (microbiome) bị tổn thương một cách nhanh chóng và an toàn chỉ trong vòng vài ngày điều trị.

Cộng đồng khoa học ngày càng ý thức được rằng sự tương tác giữa cơ thể con người với hàng triệu vi khuẩn đường ruột đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tổng thể, có khả năng ảnh hưởng đến nhiều chức năng của cơ thể. Tuy nhiên, một số phương pháp điều trị y khoa nhằm tiêu diệt vi khuẩn gây hại lại cũng có thể tiêu diệt đáng kể hệ vi sinh vật trong cơ thể chúng ta, bao gồm cả các lợi khuẩn. Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã nghiên cứu hệ vi sinh vật của bệnh nhân được áp dụng kỹ thuật cấy ghép tế bào gốc tạo máu đồng loại (allogenic) – phương pháp điều trị dành cho bệnh nhân mắc các bệnh ung thư máu hoặc tủy xương.

Việc sử dụng các nhóm kháng sinh mạnh là một phần của phương pháp điều trị tế bào gốc, dẫn đến làm suy yếu hệ vi sinh đường ruột của bệnh nhân. Thời gian để hệ vi sinh vật của bệnh nhân tự phục hồi có thể là vài tuần, hoặc thậm chí hàng tháng. Và trong thời gian này, nguy cơ dễ bị nhiễm các bệnh truyền nhiễm là rất cao.

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành kiểm tra 25 bệnh nhân trải qua phương pháp điều trị tế bào gốc. Nhóm thu thập mẫu phân của 14 bệnh nhân trước khi họ sử dụng thuốc kháng sinh (nhằm phục vụ thao tác ghép phân sau khi điều trị, nhóm bệnh nhân này được gọi là nhóm FMT), trong khi 11 bệnh nhân còn lại được theo dõi và kiểm soát theo tiêu chuẩn chăm sóc thường xuyên.

Sau khi được điều trị bằng kháng sinh, nhóm FMT nhận được mẫu điều trị của họ. Kết quả khá toàn diện khi chỉ trong vòng vài ngày, ở nhóm bệnh nhân này biểu hiện sự phục hồi của các vi khuẩn đường ruột có lợi, nhanh chóng khôi phục lại hệ vi sinh vật về trạng thái khỏe mạnh ban đầu, trong khi ở hệ vi sinh vật đường ruột trong cơ thể của nhóm bệnh nhân thể hiện rõ sự chậm trễ đáng kể trong quá trình hồi phục.

Anthony S. Fauci, giám đốc Viện các bệnh Dị ứng và Truyền nhiễm Quốc gia – đối tác tài trợ lớn trong dự án nghiên cứu cho biết: “Nghiên cứu mang ý nghĩa quan trọng này cho thấy phương pháp can thiệp lâm sàng bằng cách sử dụng kỹ thuật FMT tự động có thể đảo ngược một cách an toàn siêu ảnh hưởng của quá trình điều trị kháng sinh phổ rộng. Nếu được công nhận trong các nghiên cứu lớn hơn, phương pháp tiếp cận này có thể được chứng minh là cách thức tương đối đơn giản nhằm nhanh chóng khôi phục lại hệ vi khuẩn khỏe mạnh của bệnh nhân sau điều trị kháng sinh chuyên sâu“.

Trọng tâm chính của nghiên cứu là chứng minh tính an toàn và hiệu quả của liệu pháp này trong việc khôi phục hệ vi sinh đường ruột của cơ thể bệnh nhân. Ở giai đoạn này, những thông tin, dữ liệu cụ thể về kết quả điều trị của bệnh nhân, chẳng hạn như việc liệu quá trình phục hồi vi khuẩn nhanh chóng có thực sự giúp làm giảm tỷ lệ nhiễm trùng hay không. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu khác khẳng định đây cũng là yếu tố quan trọng trong điều trị ung thư trong tương lai.

Cần lưu ý rằng nghiên cứu mới tập trung vào kỹ thuật tự ghép hay mức độ hiệu quả của việc khôi phục hệ vi khuẩn thường xuyên của một người bằng cách sử dụng chính mẫu phân của họ. Nhóm chuyên gia cho biết trong tương lai, họ có kế hoạch nghiên cứu các tác động của việc thích ứng với hệ vi khuẩn nếu lấy tế bào của một người khác ghép cho người bệnh, có thể cải thiện hiệu quả của một liệu pháp điều trị nhất định. Chẳng hạn như một nghiên cứu được thực hiện vào năm ngoái đã gợi ý một số vi khuẩn đường ruột có khả năng cải thiện hoặc làm giảm hiệu quả của một số loại thuốc điều trị ung thư. Một nghiên cứu khác lại chứng minh rằng việc cấy ghép phân từ các cá nhân khỏe mạnh có thể góp phần cải thiện hành vi xã hội ở trẻ tự kỷ.

Vì vậy, nghiên cứu tự tin đề nghị thành lập ngân hàng mẫu phân có thể hữu ích trong việc giúp khôi phục hệ vi sinh vật của bệnh nhân trở lại trạng thái bình thường sau một số phương pháp điều trị y tế. Tuy nhiên, nghiên cứu không đưa ra bất kỳ ảnh hưởng nào khác. Chúng ta không thể phủ nhận những tác động phức tạp và đáng kể của quần thể vi sinh vật trong cơ thể và việc tiến hành thêm nhiều nghiên cứu sâu rộng hệ sinh thái vi khuẩn khổng lồ bên trong cơ thể con người là hết sức cần thiết.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Translational Medicine.

P.K.L (NASATI), theo https://newatlas.com/fecal-transplant-microbiome-cancer-trial/56536/