Bộ Công Thương mới đây đã nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất chế phẩm Lactoferrin từ Pichia pastoris tái tổ hợp để sản xuất thực phẩm chức năng” do Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) thực hiện. Đề tài thuộc Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020.
Hướng đi mới trong nghiên cứu
Lactoferrin (LF) là một protein đa chức năng, có vai trò điều hòa cân bằng nồng độ sắt trong máu, có hoạt tính kháng vi khuẩn, kháng nấm, kháng virus, kháng ký sinh trùng, kháng ung thư, kháng viêm, điều hòa miễn dịch, hoạt tính enzyme. Do đó, LF đã và đang được sử dụng nhiều làm thực phẩm chức năng; bổ sung vào mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc răng miệng…
PGS.TS. Trương Quốc Phong báo cáo kết quả thực hiện đề tài tại buổi họp nghiệm thu |
PGS.TS. Trương Quốc Phong – Chủ nhiệm đề tài cho biết: Với nhiều ứng dụng thực tiễn có lợi nên nhu cầu về LF ngày một tăng lên. Để đáp ứng nhu cầu đó đã có nhiều giải pháp được đưa ra như tách chiết từ sữa động vật, tạo động vật chuyển gen tăng cường hàm lượng LF trong sữa, tạo thực vật và vi sinh vật chuyển gen sinh tổng hợp LF. Do LF có hàm lượng không cao trong sữa tự nhiên (50 – 100 mg/L) nên việc tách chiết LF từ sữa là không hiệu quả và sản phẩm tạo ra có thể có nhiễm tác nhân gây bệnh từ động vật cho sữa.
Theo đó, hướng tiếp cận sản xuất LF bằng con đường tái tổ hợp đã và đang được thực hiện bởi nhiều nhóm nghiên cứu và được nhiều công ty sản xuất LF quan tâm vì nó có hiệu suất tổng hợp LF cao. Pichia pastoris là chủng nấm men được đánh giá là có thể sử dụng để sản xuất LF trong công nghiệp.
Việc sử dụng nấm men Pichia pastoris cho sản xuất LF có nhiều ưu điểm như có khả năng tổng hợp LF cao nhất trong số các vi sinh vật được nghiên cứu sử dụng làm vật chủ biểu hiện, có khả năng lên men với hiệu suất cao, phù hợp lên men quy mô lớn và đặc biệt LF sau khi được tổng hợp được đường hóa và biến đổi tạo thành protein có hoạt tính tương tự như LF tự nhiên. “Nhóm nghiên cứu của chúng tôi là nhóm nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam thực hiện tạo chủng Pichia Pastoris tái tổ hợp để sản xuất LF, phục vụ mục tiêu tạo chế phẩm để sản xuất thực phẩm chức năng” – PGS.TS. Trương Quốc Phong khẳng định.
Lợi thế cạnh tranh với sản phẩm nhập ngoại
Đến nay, trải qua quá trình nghiên cứu công phu, bài bản, nhóm nghiên cứu đã tạo được chế phẩm LF bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ ứng dụng trong sản xuất thực phẩm chức năng. Đặc biệt, đã nghiên cứu được công thức và bào chế được 2 sản phẩm thực phẩm chức năng bao gồm viên nang LF và nước uống bổ sung LF, đồng thời đã xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở cho 2 sản phẩm này với mã số tương ứng là: 9287/2020/ĐKSP và 9588/2020/ĐKSP.
PGS.TS. Trương Quốc Phong cho rằng: Hiện nay, trên thị trường rất nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm có chứa LF. Tuy nhiên, những sản phẩm này đều thuộc sản phẩm cao cấp, có giá thành cao và hoàn toàn phải nhập ngoại do chúng ta chưa tự sản xuất được. Trong khi đó, thực phẩm chức năng chứa LF được khuyến cáo sử dụng hàng ngày cho mọi đối tượng và đặc biệt là trẻ em và người ốm.
“Do vậy, chế phẩm LF của đề tài tạo ra chắc chắn là sản phẩm hấp dẫn đối với thị trường. Các đơn vị có thể tiếp thu kết quả đề tài là các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm” – PGS.TS. Trương Quốc Phong nhấn mạnh, đồng thời chia sẻ thêm, sản phẩm của đề tài được phát triển dựa trên một số ưu điểm của chủng Pichia Pastoris như hàm lượng LF cao, đường hóa LF như trạng thái tự nhiên, chi phí sản xuất thấp… Những ưu điểm này chắc chắn tạo ra một sản phẩm có chất lượng tốt, giúp nâng cao sức khỏe con người.
Đánh giá cao quá trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc của nhóm thực hiện đề tài. Tiến sĩ Đặng Tất Thành – chuyên viên chính Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết: Việc xây dựng được quy trình công nghệ sản xuất chế phẩm Lactoferrin từ Pichia pastoris tái tổ hợp, từ đó giúp chúng ta chủ động được nguồn sản phẩm này để đáp ứng các yêu cầu của các doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt, việc sản xuất trong nước sẽ tạo ra sản phẩm có ưu thế cạnh tranh đối với sản phẩm nhập ngoại về thuế nhập khẩu, thời gian cung cấp…
LF đã được sử dụng rộng rãi và hiệu quả trong phòng ngừa và điều trị nhiều loại bệnh. Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm đã hợp tác với công ty Cổ phần Dược phẩm NOVACO ứng dụng chế phẩm LF tạo ra từ đề tài để bào chế viên nang LF và nước uống bổ sung LF. Nhóm nghiên cứu hy vọng các sản phẩm này sớm có thể đưa ra thị trường. |
Nguồn: Quỳnh Nga – congthuong.vn