Xưởng thực hành robot tại Khu Công nghệ cao TPHCM
(Sài Gòn giải phóng) Những chuyển động của Sở KH-CN TPHCM, Khu Công nghệ cao TPHCM cùng Đại học Quốc gia TPHCM cho thấy đã bước đầu hình thành mối liên kết để phát huy nội lực về KH-CN, thể hiện qua việc các đơn vị mới đây đã ký kết hợp tác thực hiện 8 chương trình cụ thể. Trong số đó, mấu chốt nhất vẫn là nâng cao khả năng thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Nhiều kỳ vọng
8 chương trình được thực hiện trong khuôn khổ hợp tác giữa UBND TPHCM và Đại học Quốc gia TPHCM (ĐHQG TPHCM) là: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Cải cách hành chính; Nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế TPHCM; Giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông; Giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; Giảm ô nhiễm môi trường; Phát triển tiềm lực KH-CN giữa ĐHQG TPHCM với Khu Công nghệ cao TPHCM; Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến 2030.
Các lĩnh vực ký kết nói trên đều là các vấn đề lớn của TPHCM, đang được người dân quan tâm. Tại lễ ký kết, PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQG TPHCM, cam kết sẽ thực hiện đầy đủ với hiệu quả cao nhất những gì đã ký kết để góp phần phát triển TPHCM trở thành nơi có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. ĐHQG TPHCM còn được mời tham gia cùng lãnh đạo cấp cao của Chính phủ Việt Nam và TPHCM đến thăm, ký kết thỏa thuận ghi nhớ hợp tác với các ĐH như: ĐHQG Lào, ĐH Kyushu (Nhật), ĐH Công nghệ Auckland và ĐH Waikato (New Zealand).
Theo PGS-TS Lê Hoài Quốc, Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM: Trong thời gian qua khu và ĐHQG TPHCM đã có nhiều hợp tác KH-CN và đã cho ra đời nhiều sản phẩm thương mại. Ở giai đoạn mới hiện nay, tức sau ký kết của 2 đơn vị, sẽ thêm nhiều chương trình hợp tác quan trọng hơn. Trong đó phải kể đến dự án xây dựng Design House (nhà thiết kế) cho ngành vi mạch TPHCM, các chương trình hội nghị quốc tế về KH-CN, sử dụng chung cơ sở vật chất để nghiên cứu KH-CN… Đặc biệt, ban quản lý khu đang xin cơ chế dùng chung chuyên gia của hai bên, sẽ tạo ra được những đóng góp rất lớn trong phát triển KH-CN cũng như đào tạo.
Đẩy mạnh hoạt động thương mại hóa
Ngay sau hoạt động ký kết, nhận sự chỉ đạo của UBND TPHCM, Sở KH-CN với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước ở lĩnh vực KH-CN, đã phối hợp ĐHQG TPHCM tổ chức tọa đàm giữa nhà quản lý và nhà khoa học, giảng viên, với mục tiêu tìm phương thức hợp tác tăng khả năng thương mại hóa sản phẩm từ kết quả nghiên cứu khoa học trong trường, viện.
Đa số nhà khoa học, cán bộ giảng viên đều có chung ý kiến rằng mặc dù hoạt động nghiên cứu khoa học tại các trường, viện trên địa bàn TPHCM trong thời gian qua có sự phát triển, song vẫn còn rời rạc. Theo PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, các đề tài nghiên cứu chủ yếu tự phát từ các nhà khoa học, đôi khi không bám sát “hơi thở” của thị trường cũng như nhu cầu thực tiễn từ xã hội, từ đó dẫn đến việc khó thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Đây chính là nguyên nhân doanh nghiệp (DN) không mặn mà với ý tưởng hay thậm chí thành phẩm hoàn thiện của một nghiên cứu khoa học. “Để giải quyết bài toán này, mô hình tam giác 3 nhà gồm nhà nước – nhà trường – nhà DN là hết sức cần thiết”, PGS-TS Huỳnh Thành Đạt nói.
Lắng nghe các ý kiến trên, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, cho rằng “đây cũng chính là trăn trở của sở”, bởi số liệu thống kê cho thấy, kết quả từ các đề tài nghiên cứu hầu hết vẫn dừng ở sản phẩm mang tính mô hình, khó đưa vào sản xuất; thời gian tới rất cần có sự tham gia, đồng hành sâu hơn nữa của các DN trong hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo. Các DN không chỉ đặt hàng với các nhà khoa học mà còn cần góp vốn, đồng hành với nhóm nghiên cứu trong cả quá trình.
Hiện nay, Sở KH-CN TPHCM đã và đang đưa ra nhiều chương trình phát triển hoạt động KH-CN, gắn kết với đổi mới sáng tạo. Trong đó, các chương trình nghiên cứu KH-CN mục tiêu sẽ là giải pháp nâng cao khả năng thương mại hóa kết quả nghiên cứu của các trường, viện và đơn vị nghiên cứu. Mỗi chương trình này sẽ hướng đến kết quả là các sản phẩm mục tiêu cụ thể, đáp ứng được nhu cầu thực tế của thị trường cũng như yêu cầu của TP. Thời gian thực hiện chương trình nghiên cứu cũng kéo dài trong 5 năm. Sát hơn, các ban chủ nhiệm chương trình có nhiệm vụ thiết kế mục tiêu, nội dung cụ thể và từ đó tìm kiếm, phối hợp với các đơn vị, nhóm nghiên cứu mạnh để thực hiện. Theo ông Nguyễn Việt Dũng, các chương trình mục tiêu dài hạn như vậy là một trong những giải pháp quan trọng để tăng khả năng thương mại hóa của các kết quả nghiên cứu.