Theo một nghiên cứu mới của Đại học London, liệu pháp ánh sáng có thể bảo vệ ong mật tiếp xúc với thuốc trừ sâu neonicotinoid.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu ảnh hưởng của thuốc trừ sâu và liệu pháp ánh sáng đến các tổ ong mật thương mại. Trong nghiên cứu, 2 trong số 4 tổ ong được cho tiếp xúc với thuốc trừ sâu neonicotinoid có tên là Imidacloprid trong vòng 10 ngày. Một trong 2 tổ ong đó cũng được điều trị bằng ánh sáng hồng ngoại mỗi ngày 2 lần trong 15 phút.

Nghiên cứu trước đây đã chứng minh việc tiếp xúc với thuốc trừ sâu sẽ làm suy yếu khả năng sản sinh ATP của ong mật, đây là nguồn năng lượng cần thiết cho chức năng tế bào khỏe mạnh.

Trong các thí nghiệm, ong mật bị ngộ độc thuốc trừ sâu, không được điều trị bằng liệu pháp ánh sáng thì mức ATP giảm mạnh. Không những vậy, các triệu chứng về tính di động của ong mật cũng giảm. Ong bị ngộ độc, được điều trị bằng ánh sáng cận hồng ngoại chuyển động nhanh hơn và có tỷ lệ sống sót cao hơn. Ngoài ra, một trong 2 nhóm kiểm soát dù không tiếp xúc với thuốc trừ sâu, nhưng cũng được điều trị bằng ánh sáng. Nhóm được điều trị bằng ánh sáng có tỷ lệ sống sót cao hơn nhóm đối chứng.

Glen Jeffery, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: “Việc điều trị bằng ánh sáng bước sóng dài đã được các nghiên cứu khác chứng minh làm giảm sự thoái hóa của các ty thể, kết quả của quá trình lão hóa. Liệu pháp này thậm chí còn có ích cho ong mật không bị ảnh hưởng của thuốc trừ sâu. Do vậy, liệu pháp ánh sáng là giải pháp hiệu quả để ngăn ngừa thiệt hại cho loài ong mật trong trường hợp nơi cư trú của ong phải tiếp xúc với neonicotinoids. Đây là giải pháp đôi bên cùng có lợi”.

Những phát hiện mới đã được công bố chi tiết trên tạp chí PLoS ONE, cho thấy liệu pháp ánh sáng hoạt động hiệu quả như một giải pháp phòng ngừa, nhưng cũng có thể dẫn đến sự phục hồi của ong nếu liều lượng điều trị bắt đầu trong vòng hai ngày sau khi ong tiếp xúc với thuốc trừ sâu.

Michael Powner, đồng tác giả nghiên cứu cho rằng, bằng cách chiếu ánh sáng đỏ sâu vào ong bị ảnh hưởng bởi thuốc trừ sâu độc hại, nó có thể phục hồi vì ánh sáng đã cải thiện ty thể và chức năng thị giác, cho phép ong di chuyển xung quanh và ăn trở lại.

Ong hiện là một trong những loài động vật được hưởng lợi từ việc tiếp xúc thường xuyên với ánh sáng cận hồng ngoại.

Theo giải thích của Jeffery: “Khi một tế bào thần kinh đang sử dụng nhiều năng lượng hơn các tế bào khác hoặc đang bị thách thức do thiếu năng lượng, thì liệu pháp ánh sáng đỏ có thể can thiệp bằng cách cải thiện chức năng của ty thể. Về cơ bản, liệu pháp ánh sáng nạp năng lượng cho tế bào”.

N.P.D. (NASATI), Theo http://www.upi.com/Science_News/Light-therapy-can-protect-bees-from-pesticide-poisoning/9591479240027/?spt=sec&or=sn,